Vân Hà là một làng nổi tiếng thuộc huyện Bắc Giang. Nơi đây du khách đắm say bởi thứ rượu đặc sản Vân Hà đã từng được dâng tiến vua. Thứ rượu ngon ấy đã khiến Đế vương Lê Hy Tông, người từng nếm biết bao của ngon vật lạ vẫn phải ban sắc những lời khen: “Vân hương mỹ tửu lừng biển Bắc Chiến công Như Nguyệt rạng trời Nam” Làng rượu Vân Hà nằm tại xã Vân Hà, huyện Việt Yên tỉnh Bắc Giang. Làng nằm dọc tả ngạn sông Cầu, trải dài hơn 1km. Mặc dù là làng quê, nhưng điều đặc biệt là nơi đây người dân ở đây không có ruộng. Họ không cấy lúa, chăn nuôi mà làm chủ yếu bằng nghề giao thương, trong đó, tiêu biểu nhất là nghề nấu rượu. Rượu làng Vân tao nhã, vị êm nồng nhưng đắm say. Cái tên rượu làng Vân đã trở thành một mỹ tửu dâng vua, một niềm tự hào sâu sắc của người Vân Hà nói riêng và Bắc Giang nói chung. Theo người dân nơi đây kể lại, nghề nấu rượu tại làng Vân Hà đã bắt đầu được hơn 400 năm. Tổ nghiệp nghề rượu là cụ bà Nghi Định. Bà mang nghề rượu từ Trung Hoa và truyền dạy cho dân làng Vân Hà. Từ đó, người dân trong vùng cũng dần dần khấm khá hơn, không còn cái nghèo đói. Chính vì vậy, mà người dân nơi đây tôn thờ bà Nghi Định làm thánh sư. Và cứ vào mùng 4 Tết Nguyên đán, mỗi nhà trong làng sẽ cử một người ra chùa Rộc cắt máu ăn thề. Lời thế giữ gìn bí quyết nghề tổ, không được truyền ra ngoài thiên hạ. Rượu làng Vân nổi tiếng bao đời, là thức tinh hoa được nhiều “vua biết mặt, chúa gọi tên”. Dưới triều đại phong kiến, thức rượu này luôn được chọn tiến dâng lên vua, xuất hiện trong các buổi yến tiệc linh đình. Rượu làng Vân đã có mặt ở khắp nơi, từ Nam ra Bắc, và cả nước ngoài. Ngoài Đế vương Lê Hy Tông, còn có vua Bảo Đại cũng rất ưa thích. Hãng rượu Phông – Ten (Fontaine) nổi tiếng của Pháp, cũng dùng rượu làng Vân là rượu cốt để pha chế. Rượu làng Vân trong vắt, có hương vị nồng nàn, cay bùi. Nhưng điều đặc biệt, thức rượu ấy khiến người ta mơ màng nhưng lúc tỉnh dậy không có cảm giác đau đầu, uể oải mà còn thấy khoẻ mạnh, sảng khoái hơn. Tất cả bắt nguồn từ những sự cầu kỳ, tỉ mỉ trong các khâu chuẩn bị, nấu và ủ cũng như là các nguyên liệu sạch và không chất bảo quản trong quá trình làm rượu. Nguyên liệu được chọn để nấu rượu là những bông nếp cái hoa vàng thơm ngon. Hạt gạo được lựa chọn không được là gạo non hay đổ lúa mà phải đủ chín. Từng hạt gạo cũng phải đủ độ căng, mọng, vàng. Một điều nữa để quyết định hương vị và chất lượng rượu làng Vân là thứ men đặc biệt. Thứ men đó được làm nên từ 35 vị men thuốc Bắc. Sau khi lên men gạo nếp và ủ, rượu sẽ được chưng cất qua một hệ thống lọc và xử lý đa tầng. Nhờ đó, mà rượu giữ được hương vị ngon lại không ảnh hưởng đến sức khoẻ. Sau khi chưng cất, rượu đã có thể đi vào sử dụng. Nhưng để giữ được cái vị êm ái, rượu làng Vân dược đem đi hạ thổ bằng bình sành sứ. Thời gian càng lâu, rượu càng thêm đượm vị ngon. Sự cầu kỳ ấy đã tạo nên cho rượu làng Vân một hương vị đắm say. Rượu làng Vân đã tồn tại rất lâu đời, nổi danh khắp tứ phương với vị riêng biệt. Đã từng có người làng Vân đem các quy trình đó đến các vùng quê khác như Phú Thọ, Nam Định… Nhưng vẫn loại gạo, men và công thức ấy cũng không sao tạo được cái chất, cái hồn của rượu làng Vân. Có lẽ bởi thiếu vị nước sông Cầu. Cái hồn của rượu làng Vân chính là sự hoà quyện của các thức ẩm thực quê Hương. Là vị Hương đậm đà, thanh khiết. Thứ rượu ấy khiến người say, say trong cái nền nã, ngọt dịu. Rượu làng Vân được ưa chuộng không chỉ ở trong nước mà còn cả nước ngoài. Hương vị đắm say có thể sánh ngang với bất kỳ một loại whisky hảo hạng nào trên thế giới. Tuy nhiên, do nấu từ các nguyên liệu địa phương nên giá của rượu làng Vân khá rẻ chỉ khoảng 260.000 đồng/bình (500ml). Rượu làng Vân đã trở thành niềm tự hào với người dân Bắc Giang. Với nhiều người, đây là một món không thể thiếu trong những bữa cơm hoặc dịp lễ tết. Chầm chậm nhấp từng hơi, chất men thấm từ từ trong miệng, đọng lại vị ngọt thơm của lúa nếp, của hồn quê làng Vân.
Bắc Giang 22 lượt xem Từ tháng 01 đến tháng 12
Ngày cập nhật : 09/02/2025