Ứng dụng số 1 về khám phá du lịch 63 tỉnh thành Việt Nam

Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch 63Stravel

Tải ứng dụng 63Stravel

Logo 63stravel

Di tích lịch sử

Quảng Trị

Đình làng cổ Hà Thượng

Đình làng Hà Thượng nằm về phía Đông của làng Hà Thượng, thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị; cách quốc lộ 1A chưa đầy 1 km về phía Đông và cách đường 75B khoảng 800m về phía Bắc. Đình có diện tích 8.450m2, nằm tại vị trí đắc địa, lưng tựa vào xóm làng, mặt hướng ra hồ lớn và cánh đồng trù phú. Phía xa xa trước mặt đình là một dải đất cao như tấm bình phong. Vị trí này phù hợp với phong thuỷ của người Việt. Theo các tài liệu lưu trữ, đình làng Hà Thượng được xây dựng năm Chính Hoà thứ 11 (năm 1690). Đến năm Thành Thái thứ 15 (1903), ngôi đình được đại trùng tu và xây mới một số công trình khác như cổng ngõ, tường thành. Phương pháp sử dụng tường gạch và cột xi măng đã được áp dụng. Hệ thống cột cù, cột hiên được thay bằng các trụ gạch đắp vữa và trang trí. Hệ thống tường cũng đã được xây lên xung quanh hai gian tiền sảnh…Toàn bộ khuôn viên bao gồm một tòa đại đình và 4 ngôi miếu thờ 4 vị thần: Miếu thờ Thành hoàng, hai miếu thờ hai vị khai khẩn họ Lê và họ Nguyễn, miếu thờ ông Lê Hiếu. Cấu trúc bộ khung gỗ chịu lực được thực hiện theo mô thức của một ngôi nhà rường 3 gian 2 chái, phân bố theo 6 hàng cột. Trên bộ mái lợp ngói, mái thẳng, độ dốc vừa phải; bờ nóc, bờ quyết, đầu đao gắn các mảng trang trí rồng chầu nguyệt, giao hồi văn, giao lá bằng nghệ thuật đắp vữa và ghép mảnh sành sứ. Bên trong ngôi đình được phân thành hai phần. Phần tiền đường gồm không gian của gian chái trước và hai gian ngoài dùng làm nơi sinh hoạt văn hóa, hội họp, ăn uống. Phần hậu liêu gồm không gian của gian chái sau và một gian trong dùng làm nơi thờ cúng, tế tự. Hệ thống cổng và tường thành phía trước đình được xây bằng gạch, xi măng; nền móng khá cao được xây bằng đá bazan. Các ngôi miếu thờ ở trong khuôn viên đình làng Hà Thượng đều có cổng và tường khép kín. Cấu trúc theo kiểu nhà rường một gian hai chái, các miếu đều có dạng gác lửng dựa trên bốn cột chính của bộ khung gỗ, có chức năng làm bệ thờ. Với lối xây dựng này, đình làng Hà Thượng được xem là sản phẩm tiêu biểu duy nhất còn sót lại thể hiện kiến trúc đình làng của miền Trung vào thế kỷ XVII. Đây là ngôi đình mà theo đánh giá của các nhà nghiên cứu lịch sử và mỹ thuật là cổ nhất, còn sót lại trong hệ thống di tích đình làng tại Quảng Trị với lối kiến trúc độc đáo nhất miền Trung; đây cũng chính là nơi thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên của huyện Do Linh - Chi bộ Chợ Cầu. Với những giá trị lịch sử và kiến trúc Đình làng cổ Hà Thượng được công nhận di tích quốc gia năm 1991. Nguồn Cổng thông tin điện tử huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị

Quảng Trị 292 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia. Mở cửa

Di Tích Bến Đò Tùng Luật( Bến đò B)

Bến đò Tùng Luật là một trong những khu di tích lịch sử đặc biệt nổi tiếng, góp phần quan trọng trong công cuộc đấu tranh chống Pháp của nhân dân ta. Vào ngày 6/1/1950, ngay chính tại bến đò, Trung đoàn 95 và Đại đội 354 vượt sông, đánh bại quân Pháp tại đồn Cửa Tùng. Qua đó khẳng định sức mạnh, ý chí chiến đấu quật cường và tinh thần đấu tranh giải phóng dân tộc của quân và dân ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân các xã đông Vĩnh Linh và Gio Linh đã hợp lực phá tan các đợt càn quét của giặc Pháp, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm lính Pháp, tề ngụy, phá hủy nhiều phương tiện quân sự hiện đại của chúng. Bến đò Tùng Luật đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, là cầu nối giữa hai bờ nam bắc, góp phần cùng với nhân dân cả nước đánh tan âm mưu xâm lược của thực dân Pháp. Ngày 21-7-1954, Hiệp định Geneve được ký kết, tưởng chừng đất nước sẽ hưởng hòa bình, độc lập, tuy nhiên, bến đò Tùng Luật lại phải bước vào những trang sử đầy máu, nước mắt. Lịch sử chống Mỹ-ngụy của bến đò Tùng Luật bắt đầu từ những chuyến đò xuyên màn đêm, bí mật đưa chiến sĩ, cán bộ quân báo vào Nam hoạt động trong những năm 1956-1965. Trong những chuyến đò đó có vị khách đặc biệt được bí mật đón qua sông, đó là Bí thư thứ nhất Lê Duẩn. Phải chịu những thất bại cay đắng của ngụy quyền Sài Gòn trước phong trào cách mạng ở miền Nam, quân Mỹ trực tiếp tham chiến. Bến đò Tùng Luật một lần nữa trở thành tâm điểm của cuộc chiến giữa chính nghĩa và bạo tàn. Với mật danh là “Bến đò B”, Bến đò Tùng Luật lại là cầu nối hai bờ bắc-nam sông Hiền Lương, là một trong những điểm xuất phát của đường Hồ Chí Minh trên biển, điểm khởi đầu của tuyến giao thông duy nhất nối đất liền với đảo Cồn Cỏ anh hùng. Đại đội dân quân thôn Tùng Luật được thành lập với quân số 110 người, có nhiệm vụ bảo vệ bến đò, chuyên chở bộ đội, dân quân, dân công hỏa tuyến và lương thực, vũ khí, đạn dược. Bến đò B chuyên chở các đoàn dân công hỏa tuyến của các xã: Vĩnh Long, Vĩnh Tân, Vĩnh Trung, Vĩnh Tú, Vĩnh Thành, Vĩnh Hòa... qua sông vào Nam phục vụ cuộc tấn công cứ điểm đồi 31, 28, Quán Ngang, Cửa Việt. Cũng trong thời gian chiến tranh ác liệt này, Bến đò B Tùng Luật được giao thêm nhiệm vụ vận chuyển, đưa người dân khu vực phía nam sông Bến Hải sơ tán ra miền Bắc. Bến đò B Tùng Luật đưa được gần 1,4 triệu lượt chiến sĩ, dân quân, dân công hỏa tuyến qua lại. Cũng chính bến đò này là điểm xuất phát của Đại đội 22, đơn vị cảm tử vận chuyển vũ khí đạn dược, thuốc men, lương thực cho đảo Cồn Cỏ bị hải quân Mỹ và chính quyền Sài Gòn phong tỏa. Hằng đêm, khi giông tố, biển động, mỗi con thuyền mang trên mình một tiểu đội dân quân được truy điệu sống trước khi lên thuyền ra đảo. Những dân quân vốn là những người dân đánh cá hiền lành bỗng trở thành chiến sĩ, sẵn sàng để “Sóng gọi hồn ta về đảo nhỏ”. Với những chiếc thuyền gỗ, thuyền nan chạy buồm, chèo tay xuyên màn đêm vào những thời khắc biển động, từ năm 1965 đến 1972, Đại đội 22 đã vận chuyển hàng nghìn tấn đạn dược, vũ khí, lương thực, thực phẩm cho đảo Cồn Cỏ, góp phần giữ vững tiền đồn của Tổ quốc trên Biển Đông. Bến đò B là điểm sinh tử vô thường nhất của đất nước thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Biết bao người con của đất Tùng Luật và nhiều miền quê khác của đất nước đã nằm lại nơi đây với máu, xương hòa trộn nước sông Hiền Lương và bùn cát của đáy sông này. Nhờ những đóng góp to lớn trong 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, vào năm 1996, di tích lịch sử bến đò Tùng Luật đã được nhà nước ta công nhận và xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia. Để khắc ghi những kỳ tích của quân, dân đã chiến đấu và hy sinh anh dũng, tại bến đò này đã xây dựng tượng đài Bến đò B. Tượng đài được xây trên một diện tích khoảng 100m2. Tuy nhiên, theo các nhân chứng lịch sử và các nhà nghiên cứu, quy mô cấu trúc và hồn phách của tượng đài chưa thật sự tương xứng với những kỳ tích to lớn của quân, dân ta, nhất là sự hy sinh của rất nhiều chiến sĩ trên mảnh đất này. Vì vậy, cán bộ và người dân thôn Tùng Luật, người dân Vĩnh Giang, Vĩnh Linh và những người lính từ nhiều miền đất nước từng chiến đấu nơi đây, những người có con, em đã nằm lại nơi này rất mong muốn và đề nghị chính quyền địa phương, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị sớm nghiên cứu, tu bổ, nâng tầm di tích lịch sử Bến đò B Tùng Luật cho tương xứng với chiến tích lịch sử hào hùng của địa danh này. Nguồn Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Trị

Quảng Trị 297 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia. Mở cửa

Khu tưởng niệm vụ thảm sát Mỹ Thủy 1948

Mỹ Thuỷ là một làng nằm phía Nam của xã Hải An, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, cách thị trấn huyện lỵ Hải Lăng và quốc lộ 1A chừng 15 km về phía Đông theo tỉnh lộ 8. Địa điểm khu vực phía Bắc đường tỉnh lộ 8, đầu làng Mỹ Thuỷ là Trung tâm diễn ra vụ thảm sát làng Mỹ Thuỷ năm 1948 đã được bộ văn hoá thông tin xếp hạng di tích quốc gia theo quyết định số 38-2001/Quyết Định -Văn Hóa Thể Thao ngày 12 tháng 7 năm 2001. Mỹ Thuỷ là một làng biển nằm trên triền Đông của cồn cát đại trường sa được hình thành tương đối muộn từ sau thế kỷ XVII. Cũng như nhiều làng biển khác trên vùng đất Quảng Trị, người dân Mỹ Thủy từ lâu đời đã gắn chặt cuộc sống của mình với biển bằng sự chống chọi với sóng gió và những nỗi lo toan vất vã cực nhọc trong kế mưu sinh. Chính trong hoàn cảnh đó đã hun đúc nên trong con người Mỹ Thuỷ đức tính chịu thương, chịu khó, đôn hậu, bao dung và một tấm lòng khẳng khái, kiên trinh, bất chấp kẻ thù để đi theo cách mạng. Trong những năm 1930-1945, phong trào cách mạng ở Mỹ Thuỷ dưới sự chỉ đạo của chi bộ Triệu Lăng đã có những hoạt động tích cực, góp phần cùng cả vùng Hải Lăng làm nên thắng lợi của cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945. Sau cách mạng tháng 8 thắng lợi, Mỹ Thuỷ là một thôn của xã Hải Châu. Từ khi thực dân Pháp quay trở lại bình định Quảng Trị (tháng 01 năm 1947), do có nhiều ưu thế về chiến lược nên Mỹ Thuỷ vừa là vùng giáp ranh vừa là vùng tự do) để khống chế và làm chủ địa bàn nhưng vẫn không thể lập được hội tề. Phong trào cách mạng vẫn luôn duy trì và phát triển. Dựa vào vị trí giao thông thuỷ bộ thuận lợi lại xa trung tâm chính trị của Mỹ Thuỷ, bộ đội chủ lực, cán bộ kháng chiến đã chọn đây làm địa bàn dừng chân, củng cố lực lượng, tiến hành chiến tranh du kích. Nhân dân Mỹ Thuỷ một lòng theo Đảng, theo kháng chiến. Đặc biệt, sau năm 1947, chiến trường Trị Thiên gặp nhiều khó khăn: dân đói , cán bộ, bộ đội thiếu lương thực, thuốc men, đạn dược ... Quân khu IV đã tổ chức vận động các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh chi viện để giúp Trị Thiên tiếp tục kháng chiến. Do không có điều kiện vận chuyển đường bộ nên hàng hoá phải vận chuyển bằng đường biển và tập kết ở các vùng bãi ngang, xa tầm kiểm soát, khống chế của chính quyền Pháp và tay sai. Ở Mỹ Thuỷ đường giao thông liên lạc tiếp tế vận tải Bình Trị Thiên đã nhiều lần tập kết và phân tán hàng hóa, vũ khí trót lọt. Chính điều này đã làm cho quân Pháp vô cùng cay cú và điên cuồng tìm cách tiêu diệt phong trào cách mạng tại Mỹ Thuỷ, liên tục tổ chức các cuộc càn quét, đốt phá và gây ra những tội ác dã man. Kể từ khi tiến quân bình định Quảng Trị ( tháng 01 năm 1947 – ngày 08 tháng 4 năm 1948), quân Pháp đã tiến hành 3 lần càn quét, đốt phá thôn Mỹ Thuỷ . Ngày 05 tháng 3 năm 1947 (ngày 2 tháng 2 năm Đinh Hợi), quân Pháp tràn vào làng Mỹ Thuỷ đốt cháy gần hết nhà cửa, giết chết 3 người. Trong các ngày 17,18 và 19/3 /1948, thực dân Pháp đã huy động lực lượng đồng loạt càn quét vào các thôn xóm thuộc vùng đồng bằng Hải Lăng với chiến dịch mang tên “Tuần lễ Hải Lăng”. Trong đợt càn quét quy mô này, chúng đã giết hại hơn 1.300 người, đốt cháy hàng ngàn ngôi nhà, cướp đi rất nhiều tài sản, trong đó có làng Mỹ Thuỷ. Ngày 19/3/1948, Chỉ sau 1 giờ đồng hồ gây tội ác rồi rút đi, quân đội Pháp và tay sai đã giết chết 74 người dân Mỹ Thuỷ vô tội; Trong đó phần lớn là đàn ông trung niên, trụ cột gia đình. Hàng trăm mét lưới, ngư cụ và hơn 20 xuồng đánh cá bị phá huỷ hoàn toàn. Đây vừa là cuộc thảm sát vừa là đòn đánh vào kinh tế hồng đè bẹp tinh thần, ý chí kháng chiến của nhân dân Mỹ Thuỷ. Chưa đầy 20 ngày sau vụ thảm sát, khi cỏ trên những nấm mồ của những người bị giết ngày 19 tháng 3 còn chưa kịp mọc thì ngày 08 tháng 4 năm 1948, thực dân Pháp lại tiến hành một cuộc tàn sát, đốt phá dã man hơn, tàn bạo hơn theo đúng nghĩa “3 sạch” vào dân làng Mỹ Thuỷ. Sau hơn 3 giờ thoả sức đốt phá, hãm hiếp cướp bóc, quân Pháp mới chịu rút quân để lại một làng Mỹ Thuỷ hoang tàn, tang tóc; cát trắng loang lổ máu người, hàng đống thịt xương ngập ngụa trong những ngôi nhà đang cháy. Cả làng chỉ sót lại một vài đứa trẻ và chưa đầy 20 người. Có 452 người dân vô tội đã bị sát hại cùng toàn bộ nhà cửa, ngư cụ của dân làng Mỹ Thuỷ bị huỷ hoại hoàn toàn. Đây là một vụ thảm sát dã man và có số lượng người chết nhiều nhất mà thực dân Pháp đã gây ra cho đồng bào Quảng Trị. Vụ thảm sát Mỹ Thuỷ năm 1948 là bằng chứng hùng hồn về tội ác giết người dã man của thực dân Pháp đối với nhân dân Mỹ Thuỷ nói riêng và nhân dân Quảng Trị nói chung; là nỗi đau thương mất mát, nhưng cũng là biểu thị một truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường của những người đã hy sinh vì độc lập dân tộc. Nguồn Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Trị.

Quảng Trị 281 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia. Mở cửa

Chiến thắng Khe Sanh - Làng Vây

Đầu năm 1968, Khe Sanh - Hướng Hóa bỗng nhiên được cả thế giới chú ý, theo dõi khi Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định mở Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh. Không chỉ đội ngũ cố vấn quân sự của Mỹ ở Sài Gòn mà ngay cả những chuyên gia quân sự hàng đầu của nước Mỹ cũng bị “mất phương hướng” khi cho rằng sẽ có một “Điện Biên phủ khác” ở Khe Sanh. Tổng thống Mỹ B.Johnson chỉ đạo thiết lập “Phòng tình hình đặc biệt”, làm sa bàn Khe Sanh ở Washington, yêu cầu tướng Westmoreland - Tư lệnh Bộ chỉ huy cố vấn quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam phải ký giấy cam đoan không được để mất Khe Sanh bằng mọi giá vì đó là danh dự của nước Mỹ. Thung lũng Khe Sanh nằm ở vùng rừng núi heo hút phía tây Quảng Trị, được xác định là một trong những địa bàn chiến lược ở khu vực giáp ranh giới tuyến. Năm 1966, tại khu vực nam vĩ tuyến 17 đến đường 9 - Khe Sanh, Mỹ đã cho xây dựng tuyến phòng thủ vô hình, lấy tên là hàng rào điện tử McNamara. Ở vị trí “mỏ neo” khu vực ngã ba biên giới, Khe Sanh được định vị là một trong ba mắt thần của hàng rào điện tử McNamara, nơi Mỹ tập trung xây dựng một tập đoàn cứ điểm mạnh gồm Chi khu quân sự Hướng Hóa, cụm cứ điểm Làng Vây và sân bay Tà Cơn, được trang bị đầy đủ các loại vũ khí hiện đại, tối tân nhất lúc bấy giờ với nhiều hệ thống công sự dày đặc có sự yểm trợ bằng máy bay B52, cùng với đội quân tinh nhuệ nhằm cắt đứt tuyến chi viện trên đường mòn Hồ Chí Minh, ngăn chặn quân ta từ Bắc vào, từ Lào sang và làm tấm bình phong che chắn cho khu vực phòng thủ của chúng ở phía Đông đường 9. Vào thời điểm đầu năm 1968, có nhiều nguyên nhân khiến người Mỹ tin rằng quân giải phóng sẽ thực hiện trận quyết chiến chiến lược ở Khe Sanh. Đầu tiên, từ sự tương đồng về yếu tố địa hình và vai trò chiến lược giữa lòng chảo Điện Biên Phủ và Khe Sanh. Tiếp đến, Mỹ tin rằng với sự “từ bỏ” địa bàn truyền thống nông thôn của ta thì rừng núi sẽ là bàn đạp để ta đánh vào đồng bằng và đô thị. Từ cấp chỉ huy cho đến viên đại sứ Mỹ, tất cả đều phán đoán quân giải phóng không đủ sức tấn công vào các thành phố, đô thị mà đó chỉ là “đòn nghi binh”; chiến trường chính nhất định sẽ diễn ra ở Khe Sanh. Trung ương Cục miền Nam còn cố ý để rơi những tài liệu khiến Mỹ càng tin rằng Khe Sanh chính là nơi diễn ra một cuộc quyết chiến chiến lược. Về phía ta, sau những thắng lợi giành được trong mùa khô 1965 - 1966, 1966 - 1967, Hội nghị Bộ Chính trị tháng 12/1967 nhận định: Chúng ta đã thắng địch cả về chiến lược và chiến thuật, lực lượng quân sự và chính trị của ta ở miền Nam đã lớn mạnh hơn bất cứ thời kỳ nào, ta đang nắm quyền chủ động trên khắp chiến trường. “Diễn biến cơ bản của tình hình là ta đang ở thế thắng, thế chủ động và thuận lợi, địch đang ở thế thua, thế bị động và khó khăn”. Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị chủ trương mở: “đòn tiến công của bộ đội chủ lực ở hướng phối hợp chiến lược đặc biệt quan trọng là Đường 9 - Khe Sanh nhằm thu hút, giam chân lực lượng chiến lược của địch…” Thực hiện chủ trương chiến lược trên, thể theo đề nghị của Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch tiến công Đường 9 - Khe Sanh xuân hè 1968. Bộ Tổng tư lệnh điều động cho chiến dịch một lực lượng mạnh, gồm 4 sư đoàn (304, 320, 324 và 325), Trung đoàn 270 và 2 tiểu đoàn bộ đội địa phương tỉnh Quảng Trị, 1 tiểu đoàn và 5 đại đội đặc công, 5 trung đoàn pháo binh (45, 84, 164, 204 và 675), 3 trung đoàn pháo phòng không (128, 282, 241), 1 tiểu đoàn xe tăng (4 đại đội), 1 tiểu đoàn thông tin, 1 tiểu đoàn trinh sát, 1 tiểu đoàn phòng hóa, 1 trung đoàn và 2 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội súng phun lửa, 6 tiểu đoàn vận tải và lực lượng vũ trang địa phương các huyện Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa. Toàn bộ lực lượng trên được chỉ huy thống nhất của Bộ Tư lệnh Chiến dịch, do Thiếu tướng Trần Quý Hai - Phó Tổng Tham mưu trưởng làm Tư lệnh, Thiếu tướng Lê Quang Đạo - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm Chính ủy. Tại thời điểm ta mở chiến dịch, lực lượng địch phòng ngự ở Đường 9 - Khe Sanh có khoảng 45.000 quân, trong đó có 28.000 quân Mỹ (10 tiểu đoàn của Sư đoàn 3 thủy quân lục chiến, 9 tiểu đoàn pháo, 3 tiểu đoàn và 1 đại đội cơ giới; được bố trí thành tuyến trước ở phía đông: từ cứ điểm 31, Dốc Miếu, Cồn Tiên, Quán Ngang đến miếu Bái Sơn; tuyến sau là Đông Hà, Cam Lộ, Ái Tử và thị xã Quảng Trị; tuyến giữa là các cứ điểm Tân Lâm, Ca Lu, 241 (phía tây thị xã Quảng Trị); khu vực phía tây gồm các cứ điểm Hướng Hóa, Làng Vây, Huội San và cụm cứ điểm Tà Cơn (gồm các cứ điểm Động Tri, 832, 845…). Với quyết tâm “Biến Khe Sanh thành địa ngục trần gian của quân Mỹ”, ngày 20/01/1968, ta mở chiến dịch đường 9 - Khe Sanh. Sau 170 ngày đêm liên tục tiến công, vây hãm, quân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 17.000 tên địch, bắn rơi và phá hủy 480 máy bay, 120 xe quân sự, 65 đại bác và súng cối cỡ lớn, 55 kho xăng và đạn, thu hàng ngàn súng các loại, kết thúc thắng lợi Chiến dịch đường 9 - Khe Sanh lịch sử, huyện Hướng Hóa được giải phóng hoàn toàn với hơn 10.000 dân. Thắng lợi của chiến dịch đường 9 - Khe Sanh đã chứng tỏ sự đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta trong việc đấu trí, đấu lực với kẻ thù, không chỉ với Bộ chỉ huy quân sự Mỹ mà còn cả với những nhà hoạch định chiến lược “sừng sỏ” ở Nhà Trắng. Chiến thắng Khe Sanh là kết quả của đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nguồn Cổng thông tin điện tử huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Quảng Trị 290 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia. Mở cửa

Trụ Sở Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (6/1973 -  5/1975).

Địa điểm khu trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (từ tháng 6/1973 đến tháng 5/1975) nằm ở thôn Tân Hòa thuộc địa phận thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ; cách quốc lộ 9 hơn 200m về phía Bắc, cách thị xã Đông Hà 12km về phía Tây. Di tích đã được Bộ Văn Hóa Thể Thao xếp hạng quốc gia theo Quyết định số 154/Quyết Định - Văn Hóa ngày 25 tháng 01 năm 1991. Thuộc thị trấn Cam Lộ, cách Uỷ Ban Nhân Dân huyện Cam Lộ 150 m về phía Bắc, được khởi công xây dựng từ ngày 06/05/1973, đến ngày 30/05/1973 thì hoàn thành. Mặc dù được xây dựng khẩn trương trong một thời gian ngắn nhưng vẫn mang dáng vẻ bề thế, khang trang và đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt thiết yếu. Tại đây, ngày 06/06/1973, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã làm lễ ra mắt nhân dân trong buổi lễ mít tinh long trọng, trước sự chứng kiến của đông đảo phóng viên báo chí trong và ngoài nước. Đại biểu của 19 nước anh em bầu bạn khắp 5 châu tới dự và cổ vũ nhiệt tình cuộc đấu tranh hy sinh gian khổ của nhân dân Miền Nam như đồng chí Phiden Catxtơrô - Chủ tịch Đảng cộng sản CuBa, đồng chí Gioóc-giơ-mác-xen - Bí thư Đảng cộng sản Pháp, ... Khu Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời từ khi ra đời đã tập hợp các lực lượng dân chủ đấu tranh đòi dân chủ và độc lập dân tộc, đại diện cho nhân dân Miền Nam nói lên tiếng nói của mình, là nơi đặt quan hệ ngoại giao với tất cả các nước anh em bạn bè gần xa trên thế giới. Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời với những chiến lược, sách lược nhạy bén, sáng suốt đã lãnh đạo nhân dân Miền Nam đấu tranh đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đưa cuộc kháng chiến thần thánh chống đế quốc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn. Hiện nay, trụ sở được Bảo tàng Quảng Trị xây dựng tượng đài kỷ niệm vào tháng 5/1993 và khôi phục lại Nhà Trình quốc thư. Nguồn Cổng thông tin điện tử huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị.

Quảng Trị 296 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia. Mở cửa

Các địa điểm liên quan đến Dinh Chúa Nguyễn (1558-1626)

Di tích lịch sử các địa điểm liên quan đến Dinh Chúa Nguyễn (1558-1626) xã Triệu Ái, xã Triệu Giang, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong. Tháng Mười năm Mậu Ngọ (1558), Nguyễn Hoàng được vua Lê cử vào trấn thủ xứ Thuận Hóa. Nguyễn Hoàng đã cùng đoàn tùy tùng theo đường biển tiến đến cửa Việt Yên (Cửa Việt) sau đó đi ngược sông Thạch Hãn (Quảng Trị) và dừng chân tại bãi cát có tên là Sa Khưu (sau này gọi là bãi Cồn Cờ) thuộc xã Ái Tử, huyện Vũ Xương, phủ Triệu Phong. Vừa đặt chân lên vùng đất mới, Nguyễn Hoàng được quan lại và nhân dân địa phương ủng hộ và ông đã quyết định chọn bãi cát này để đóng doanh trại. Đây là dinh phủ đầu tiên của Chúa Nguyễn tại huyện Vũ Xương, phủ Triệu Phong. Trong 68 năm trấn nhậm trên đất Vũ Xương, Triệu Phong, Nguyễn Hoàng đã 2 lần di dời dinh phủ. Lần thứ nhất là vào năm 1570, sau 12 năm đóng tại Ái Tử, ông cho chuyển dinh trấn của mình sang Trà Bát; lần thứ hai vào năm 1600, ông cho chuyển dinh phủ từ Trà Bát sang Dinh Cát. Việc di dời dinh phủ/dinh trấn là quá trình mở rộng quy mô và kiên cố hóa lỵ sở chứ không phải thay đổi không gian lỵ sở. Trước sau Nguyễn Hoàng vẫn chọn vùng đất Ái Tử - Trà Bát, huyện Vũ Xương làm trung tâm chính trị - hành chính, là nơi tập trung bộ máy đầu não cai quản toàn xứ Thuận - Quảng. Năm 1613, Nguyễn Hoàng qua đời, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên kế vị và ông tiếp tục thực hiện những dự định còn dang dở của cha mình. Đến năm 1626, Chúa Nguyễn Phúc Nguyên cho chuyển dinh phủ vào vùng Phước Yên (nay thuộc huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế), chấm dứt 68 năm vùng đất Ái Tử - Trà Bát, huyện Vũ Xương, phủ Triệu Phong là lỵ sở của chính quyền họ Nguyễn ở Đàng Trong. Trong hành trình 68 năm đặt lỵ sở tại huyện Vũ Xương, phủ Triệu Phong, ngoài việc cho xây dựng các dinh phủ đảm bảo việc điều hành quản lý của chính quyền, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng và Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên đã tập trung cho việc thiết lập các thiết chế phục vụ hoạt động quân sự, thương mại và văn hóa mà dấu vết ngày nay còn để lại qua các địa danh như: Bãi Trận, Mô Súng, Cồn Kho, Cồn Tập, Tàu Tượng, Chợ Hôm, Gềnh Phủ, Miếu Trảo Trảo phu nhân… nhằm biến lỵ sở Ái Tử - Trà Bát thành trung tâm đầu não của cả Ðàng Trong; tạo nền móng vững chắc cho công cuộc mở cõi về phương Nam. Với những ý nghĩa và giá trị lịch sử văn hóa đó, các địa điểm liên quan đến Dinh Chúa Nguyễn (1558-1626) trên đất Triệu Phong đã được xếp hạng đặc cách là di tích cấp tỉnh theo Quyết định số 707/Quyết Định -Uỷ Ban ngày 12/7/1996. Tuy nhiên, hơn 20 năm qua, do điều kiện khách quan và chủ quan, sự tàn phá của chiến tranh, thiên tai nên các di tích thời Chúa Nguyễn trên đất Triệu Phong, Quảng Trị hầu như chưa được quan tâm đúng mức về việc bảo tồn và đầu tư, tôn tạo, chưa được đưa vào khai thác để phát huy giá trị lịch sử văn hóa của nó nên chưa khơi dậy, đánh thức tinh thần tự hào của nhiều thế hệ nhân dân Triệu Phong, Quảng Trị về mảnh đất khởi nghiệp của Chúa Nguyễn. Chính điều này là một trong nhiều nguyên nhân làm cho di tích mất dấu vết. Ngày 20/6/2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 2328/Quyết Định -Bộ Văn Hóa Thể Thao Du Lịch Quyết định xếp hạng di tích Quốc gia Di tích lịch sử các địa điểm liên quan đến Dinh Chúa Nguyễn (1558-1626) xã Triệu Ái, xã Triệu Giang, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong. Từ đây, di tích lịch sử các địa điểm liên quan đến Chúa Nguyễn trên đất Triệu Phong đã có cơ sở khoa học trong việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch bảo tồn, đầu tư tôn tạo và đặc biệt phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, xứng tầm với vai trò và vị thế trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào và tấm lòng tri ân sâu sắc tới các thế hệ tiền nhân đã cống hiến cho sự phát triển của dân tộc. Nguồn Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Trị.

Quảng Trị 298 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia. Mở cửa

Di Tích Thành Tân Sở

Di tích Căn cứ Thành Tân Sở nằm ở làng Mai Đàn, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ. Di tích Căn cứ Thành Tân Sở được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Quốc gia vào ngày 16 tháng 1 năm 1995. Đây là một di tích thành lũy quân sự cuối cùng của triều đại phong kiến triều Nguyễn ghi dấu những sự kiện lịch sử quan trọng của phong trào Cần Vương chống Pháp đầu thế kỷ XX. Tân Sở là một vùng đất biệt lập với đồng bằng và xa cách với trung tâm các sở lỵ. Bao quanh bốn phía là các đỉnh núi, dãy đồi tự nhiên tạo ra như một vòng thành khép kín. Mặt phía đông hướng ra đồng bằng Triệu - Hải rất thuận lợi cho việc giao lưu với miền xuôi. Các mặt kia đều có những con đường thượng đạo dẫn qua Lào và ra Bắc phòng khi rút lui, vì vậy nơi đây đã được chính quyền quân chủ phong kiến qua các thời kỳ chọn làm đồn trấn ải biên giới, Nha sơn phòng. Đến năm 1883 thì đổi thành Sơn phòng Quảng Trị hay còn gọi là thành Tân Sở. Căn cứ kháng chiến ở Tân Sở bắt đầu xây dựng từ năm 1883 và đến năm 1885 thì hoàn thành. Dưới sự chỉ đạo của các quan: Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Lệ, Đặng Duy Cát, hàng nghìn binh lính, dân phu đã đào đắp miệt mài suốt ngày đêm. Chính từ công việc đào đất, trồng tre để xây dựng căn cứ Tân Sở vốn tốn rất nhiều công sức nhưng nhân dân ta lại không hề nghĩ đến lợi ích riêng mà có câu ca: "Ăn cơm nhà đi vác tre ngà cho quan". Thành Tân Sở có cấu trúc theo hình chữ nhật: chiều dài 548m, chiều rộng 418m, tổng diện tích là 22,9 ha. Thành ngoại có 4 cửa: Tiền, Hậu, Tả, Hữu đắp bằng đất, phía ngoài có hàng rào cọc nhọn và hệ thống hào bao quanh (sâu 2m, rộng 10m), 4 mặt thành được trồng tre ngà dày đặc gồm bốn lớp cách nhau hàng chục mét, giữa các lớp tre là thành đắp bằng đất. 4 góc thành có 4 giếng nước sâu 20m, bên trong thành ngoại có nhà cửa, trại lính, kho tàng, bãi tập trận của voi ngựa; Ở các cửa và góc thành đều có các đồn lính, ụ súng canh giữ, bảo vệ thành nội. Thành nội được xây dựng bằng gạch vững chắc, chiều dài là 165 m, chiều rộng 100m, tổng diện tích là 1,65 ha. Nội thành có 5 cửa: Tiền, Hậu, Tả, Hữu và Ngọ Môn giành cho vua và các quan ra vào hành cung. Bên trong thành nội có các khu nhà là nơi ở, làm việc của các quan. Thực dân Pháp sau vụ bị quan quân triều đình nhà Nguyễn tấn công đã trả thù man rợ. Chúng gây ra vụ thảm sát tàn khốc đối với nhân dân kinh thành Huế, rồi sau đó tức tốc đánh chiếm Tân Sở, bắt cho được vua Hàm Nghi và những người cầm đầu phe chủ chiến. Cuối cùng thì Pháp chiếm được Tân Sở, chúng đã đốt phá, huỷ diệt hoàn toàn. Tân Sở chìm trong biển lửa, báo hiệu sự kết thúc của một kinh đô - một trung tâm đầu não lãnh đạo phong trào Cần vương, ghi lại một mốc lịch sử vô cùng oanh liệt chống ngoại xâm của dân tộc ta, trở thành nơi chứng kiến, ghi nhận tinh thần dân tộc của một vị vua yêu nước - vua Hàm Nghi. Sau hoà bình, Tân Sở ngổn ngang những đống phế liệu chiến tranh và chi chít hàng trăm hố bom. Di tích Căn cứ Thành Tân Sở rất cần được gìn giữ, tôn tạo. Nguồn: Báo Quảng Trị

Quảng Trị 1071 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình làng Câu Nhi

Di tích Đình làng Câu Nhi thuộc làng Câu Nhi, xã Hải Tân, huyện Hải Lăng (nay là xã Hải Phong, huyện Hải Lăng), nơi gắn với danh nhân Bùi Dục Tài. Di tích đã được Bộ Văn hóa thông tin xếp hạng quốc gia ngày 13/3/2001. Làng Câu Nhi thuộc xã Hải Tân xưa có tên là Câu Lãm – một làng có tiếng văn vật. Mảnh đất này đã sản sinh ra nhiều nhân vật vang bóng một thời, trong đó nổi danh là Bùi Dục Tài. Các tài liệu hiện có cho biết làng được thành lập từ đầu thế kỷ 15. Đình làng Câu Nhi nguyên xưa là một ngôi đình lớn và đẹp có tiếng khắp vùng. Theo Thỉ Thiên thì ngôi đình đầu tiên được dựng lên ở khu đất mà nay còn có tên gọi là cồn đình vào khoảng những năm đầu thời Lê sơ (1428 – 1433). Đến thời Tây Sơn, đình được chuyển đến khu vực đầu làng, ở ven ngã ba sông – tại địa điểm hiện nay. Gia phả họ Bùi cho biết đình được xây dựng vào năm 1879, đến năm 1882 thì hoàn thành. Đây là lần xây dựng đình quy mô. Kiến trúc của đình là một ngôi nhà rường rộng 5 gian 2 chái. Bộ khung gỗ có kết cấu vững chãi, các cột cái bằng gỗ lim, những cột khác bằng gỗ mít. Bộ mái lợp ngói liệt. Xung quanh đại đình có tường gạch che chắn ba mặt. Vào năm 1950, trong thời kỳ Pháp xâm lược, ngôi đình bị đốt cháy hoàn toàn. Năm 1955, làng tổ chức quyên góp tiền của để tu tạo lại, nhưng do không có đủ vật lực nên diện tích ngôi đình phải thu hẹp và diện mạo kiến trúc cũng thay đổi. Đó là hai nếp nhà song ngang theo kiểu chữ nhị làm theo lối nhà rường 3 gian 2 chái. Phía trước là tiền đường, phía sau là chính điện. Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, đình làng Câu Nhi cũng như bao ngôi đình khác trên vùng đất Quảng Trị không tránh khỏi sự phá hoại của bom đạn. Đình Câu Nhi được trùng tu 3 lần vào các năm 1967, 1985 và 1955. Năm 1991, xây lại bình phong và cổng thành phía trước. Đình hiện còn chỉ gồm một ngôi nhà 3 gian, quy mô nhỏ, trải theo chiều ngang, mặt hướng ra sông Ô Lâu. Hai đầu hồi xây tường phẳng, ba phía xây tường gạch, mặt trước lắp đặt hệ thống cửa “thượng song hạ bản”. Cấu trúc kiểu vài chồng, cột nóc. Mái lợp ngói móc. Các họa tiết rồng, giao trên mái tuy không đơn điệu nhưng không có gì đặc biệt. Bình phong và cổng thành xây lại rất quy mô. Trong khu vực đình có một công trình kiến trúc đáng chú ý là Văn Thánh nằm ở góc Tây bắc, nơi dân làng tạo dựng để thờ Khổng Tử và những người đỗ đạt ngõ hầu mong con cháu mai sau nối dõi thánh hiền. Trước mặt đình là một chợ làng họp vào mỗi buổi sáng thường ngày, nay vẫn còn nhưng không đông đúc mấy. Phía sau lưng đình làng, đối diện qua con đường là chùa Quan Khố. Trong khuôn viên của ngôi chùa trước đây có ngôi miếu thờ thượng thư Bộ Lễ Bùi Dục Tài (nay chỉ còn nền móng). Bên trong thờ thành hoàng và những người có công xây dựng đình. Lễ hội được tổ chức hàng năm ở đình làng Câu Nhi có lễ Cầu an tổ chức vào những ngày đầu năm; Vào những dịp tế lễ, dân làng thường tổ chức hội làng với các trò diễn, trò vui như: đua thuyền, hội chợ, đánh đu, chơi cờ… Đình làng Câu Nhi trong tiến trình lịch sử của mình là nơi xảy ra nhiều sự kiện gắn với làng Câu Nhi và vùng đất Hải Lăng Quảng Trị. Dưới thời Mạc (1527 – 1592), nhân dân Câu Nhi do quan tướng địa phương Hoàng Bôi lãnh đạo đã dùng đình làng làm nơi hội họp, rèn luyện võ nghệ, tích trữ lương thực. Cuộc khởi nghĩa Hoàng Bôi đã để lại những dấu ấn lịch sử trên vùng đất bên bờ sông Ô Lâu. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược, đình làng Câu Nhi là trụ sở của Ủy ban hành chính kháng chiến xã Hải Tân – nơi lần đầu tiên người dân bên bờ sông Ô Lâu được cầm lá phiếu bầu Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với tư cách là người dân làm chủ. Đây cũng là nơi tổ chức hội họp, luyện tập tự vệ, thực hiện các phong trào diệt giặc đói, giặc dốt, tuần lễ vàng… Nguồn: Di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh tỉnh Quảng Trị

Quảng Trị 1428 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Nhà Lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn

Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn nằm bên bờ sông Thạch Hãn, trên địa phận thôn Hậu Kiên, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Khu di tích lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn được công nhận là di tích Quốc gia ngày 29-10-2010. Lê Duẩn (1907 - 1986) là một người con của thôn Bích La Đông, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất có bề dày về truyền thống yêu nước, Lê Duẩn sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1928, tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và trở thành một trong những Đảng viên lớp đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi gắn bó mật thiết với lịch sử đấu tranh cách mạng cũng như sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng Chủ Nghĩa Xã Hội của Đảng và đất nước. Trong suốt 26 năm, với cương vị là Bí thư thứ nhất và sau đó là Tổng Bí thư, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, đồng chí Lê Duẩn vẫn luôn nêu cao khí phách kiên trung của người cộng sản đặc biệt là những đóng góp to lớn của đồng chí cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội do Đảng cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo. Lê Duẩn xứng đáng là một lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc, một chiến sĩ kiên cường của phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế và là một người con ưu tú của quê hương Quảng Trị. “Di tích khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn”, là tên gọi chung cho một quần thể di tích bao gồm: Nhà lưu niệm đồng chí Lê Duẩn - nơi sinh hoạt của gia đình đồng chí từ khi chuyển từ Bích La Đông lên Hậu Kiên và hiện nay là nơi thờ tự hai cụ thân sinh và đồng chí tại quê hương, thôn Hậu Kiên; Nhà tưởng niệm, là nơi tổ chức hành lễ, viếng thăm của khách tham quan; Nhà trưng bày bổ sung, là nơi trưng bày những hiện vật, ảnh tư liệu liên quan đến thân thế và sự nghiệp đồng chí Lê Duẩn Nhà lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn nằm trên khuôn viên có diện tích 2.000m2. Nguyên trước đây là nhà và vườn của cụ thân sinh Lê Hiệp. Nhà làm bằng gỗ, khá khang trang. Trải qua hai cuộc chiến tranh tàn khốc, ngôi nhà bị đốt cháy nhiều lần, sau giải phóng chỉ còn lại nền nhà. Năm 1976, để tỏ lòng tôn kính và biết ơn công lao to lớn của đồng chí đối với Đảng và Nhà nước, Đảng bộ và nhân dân huyện Triệu Phong đã chung tay góp sức dựng lại ngôi nhà của gia đình đồng chí trên nền đất cũ. Ngôi nhà có kết cấu theo dạng nhà băng xưa gồm 3 gian 2 chái, có nhà sau (nhà dưới) rộng 4,5m, dài 9m, mái lợp tranh, vách khại tre, trát bùn và gỗ. Bên trong nhà còn phục chế lại các đồ dùng như giường nằm, sập, bàn, tủ thờ... Cuối năm 1977, mái tranh bị hỏng, UBND huyện đã thay lại bằng ngói mốc. Từ năm 1978 - 1985, tiếp tục trải qua nhiều lần tu sửa, cải tạo thay vách tre bằng gỗ ép. Năm 1995, Bảo tàng tỉnh Quảng Trị đã trùng tu lại ngôi nhà dựa trên những kết cấu của ngôi nhà cũ (bốn vài hai chái, có nhà sau) rộng 10m, dài 12m, mỗi gian rộng 2,5m, mỗi chái rộng 1,5m có mái hiên. Năm 2005, dự án quy hoạch, xây dựng trùng tu tôn tạo di tích khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn hoàn thành, một số hiện vật, tư liệu trưng bày ở nhà lưu niệm trước đây chuyển sang trưng bày tại Nhà trưng bày bổ sung. Nhà lưu niệm vẫn dùng làm nơi thờ tự hai cụ thân sinh và đồng chí Lê Duẩn. Khu di tích lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn là một di tích lịch sử lưu niệm danh nhân tiêu biểu của tỉnh Quảng Trị, gắn liền tuổi trẻ và những năm tháng hoạt động cách mạng của đồng chí ở quê nhà với sự tồn tại và phát triển phong trào đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Nguồn: Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị

Quảng Trị 1488 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Địa đạo Vịnh Mốc

Địa đạo Vịnh Mốc và Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh là công trình kiến trúc quân sự kỳ vĩ dưới lòng đất, ra đời trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Với khẩu hiệu “quân sự hóa toàn dân, công sự hóa toàn khu vực” quân dân Vĩnh Linh đã tiến hành đào hầm hào, với nhiều công năng: trụ sở, kho hậu cần, trường học, bệnh viện, khu vực sinh hoạt của từng gia đình…, được bố trí khắp các điểm dân cư, dọc đường đi, ven ruộng, bờ biển, được nối thông nhau bằng hệ thống giao thông hào chằng chịt thay cho đường trên mặt đất. Tính từ cuối năm 1965 đến năm 1968 (theo thống kê chưa đầy đủ), toàn huyện Vĩnh Linh có 114 địa đạo với tổng chiều dài hơn 40km, hệ thống giao thông hào hơn 2.000km và hàng trăm tiểu đạo khác, trở thành những “làng hầm” - lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, thể hiện ý chí “một tấc không đi, một ly không rời” bám trụ chiến đấu bảo vệ quê hương và giữ thông mạch máu ra tiền tuyến. Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh phân bố khắp 15 xã, thị trấn của huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, bao gồm: 1. Địa đạo Vịnh Mốc (Vĩnh Thạch). Thuộc thôn Vịnh Mốc và thôn Sơn Hạ, xã Vĩnh Thạch. Gồm 13 cửa ra vào (có 6 cửa được thông lên đồi, 7 cửa thông ra hướng biển). Dọc hai bên đường hầm, có khoét các ngách nhỏ đủ sinh hoạt cho 2 đến 4 người. Trong hầm còn có hội trường (sức chứa từ 50 đến 60 người), làm nơi hội họp, xem phim, biểu diễn văn nghệ... và một số công trình khác như: bảng tin, nhà hộ sinh, 3 giếng nước, nhà vệ sinh, trạm phẫu thuật, trạm xá, bếp nấu ăn (bếp Hoàng Cầm). Ngoài hệ thống đường hầm, địa đạo trong lòng đất, địa đạo Vịnh Mốc còn có các công trình trên mặt đất như: giao thông hào, ụ pháo, kè chắn sóng, nhà trưng bày... 2. Hệ thống địa đạo Hiền Dũng (Vĩnh Hòa). Nằm trên địa phận thôn Hiền Dũng, xã Vĩnh Hòa, bao gồm 2 địa đạo: Địa đạo Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang khu vực Vĩnh Linh có chiều dài khoảng 1.540m, bao gồm 18 cửa lên xuống, 15 giếng thông hơi. Địa đạo Thông tin Công an nhân dân vũ trang khu vực Vĩnh Linh có 8 cửa lên xuống và 10 giếng thông hơi. 3. Hệ thống địa đạo Hương Nam, Troong Môn - Cửa Hang, thôn Roọc và các địa đạo Hải Quân (Vĩnh Kim). Gồm Địa đạo Hương Nam: thuộc thôn Hương Nam, xã Vĩnh Kim. Hệ thống địa đạo Troong Môn: nằm sát bờ biển của xã Vĩnh Kim. Địa đạo Cửa Hang: Trục đường hầm chạy theo hướng Đông - Tây, có 2 cửa. Địa đạo thôn Roọc: thuộc thôn Roọc Các địa đạo Hải Quân: Các tiểu đạo này nằm gần nhau trong vòng bán kính 50m gồm: Địa đạo Hải quân 1, Địa đạo Hải quân 2, Địa đạo Hải quân 3, Địa đạo Hải quân 4. 4. Hệ thống địa đạo Mũi Si, địa đạo 61 (thị trấn Cửa Tùng). Gồm Địa đạo Mũi Si: nằm bên trục đường ven biển từ Cửa Tùng đến Địa đạo Vịnh Mốc, thuộc khu phố Thạch Bàn, thị trấn Cửa Tùng. Địa đạo 61: nằm bên trục đường vào xóm Bến, thuộc khu phố An Hòa 2, thị trấn Cửa Tùng. 5. Địa đạo Hải quân (Vĩnh Nam). Nằm trên quả đồi thuộc thôn Nam Cường, xã Vĩnh Nam. Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh là chứng tích lịch sử về sức mạnh, tinh thần bất khuất, ý chí kiên cường bám đất giữ làng, sự sáng tạo độc đáo của chiến tranh nhân dân, biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước dân tộc ta. Với giá trị đặc biệt tiêu biểu, di tích lịch sử Địa đạo Vịnh Mốc và Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) đã được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Nguồn: Cục Di sản văn hóa

Quảng Trị 1507 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

CĂN CỨ QUÂN SỰ DỐC MIẾU

Căn cứ quân sự Dốc Miếu thuộc địa phận xã Gio Phong, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Di tích lịch sử này khá nổi tiếng và được coi là “pháo đài bất khả xâm phạm” trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ. Nằm ở phía Đông Quốc lộ 1A, cách cầu Hiền Lương khoảng 7km về phía Nam, Dốc Miếu là đồi đất bazan nằm trong vùng địa hình bao gồm ba dốc chạy ngoằn ngoèo. Đây cũng chính là phòng tuyến do Mỹ xây dựng với tên gọi Namara – tên một tướng chỉ huy quân Mỹ – Ngụy, nhằm ngăn chặn mọi sự chi viện từ miền Bắc và chiến trường miền Nam. Trong đó, căn cứ quân sự Dốc Miếu là cứ điểm quan trọng nhất trong phòng tuyến này. Tại đây, địch xây dựng hệ thống hầm nhà vòm và lô cốt di động bằng bê tông. Cùng với đó là trận địa pháo hướng về phía bờ bắc sông Bến Hải, trung tâm điều khiển bảo vệ hàng rào, chi đội thiết giáp tuần tra, bố trí nhiều đại đội Mỹ – Ngụy. Xung quanh căn cứ ngoài các hàng rào kẽm gai với 12 lớp cao 3m, trên mặt là hàng rào có gài mìn tự động, dưới hàng rào là bãi mìn dày đặc rộng hàng trăm mét. Năm 1972, quân và dân ta đồng loạt nổ súng, bắn lựu đạn DKD, A12, bom phóng, vây chặt căn cứ quân sự Dốc Miếu. Sau ba ngày tấn công liên tiếp, địch phải bỏ chạy vào đêm 31/3/1972, bỏ lại đồn bốt, cộng sự cùng với hệ thống hàng rào điện tử hiện đại. Hiện nay, nhà nước ta cho xây dựng tượng đài chiến thắng ghi công các chiến sĩ đã chiến đấu anh dũng. Dưới chân là các đồi cao su nối dài thẳng tắp, minh chứng cho cuộc sống đang hồi sinh mãnh liệt trên mảnh đất một thời bom lửa này. Di tích căn cứ quân sự Dốc Miếu đã trở thành một điểm tham quan du lịch lịch sử cho du khách ghé thăm mỗi khi đến Quảng Trị. Đây không những là biểu tượng cho tinh thần đấu tranh bất khuất kiên cường của dân tộc ta mà còn có ý nghĩa giáo dục sâu sắc đối với các thế hệ tương lai của đất nước. Nguồn: Báo Quảng Trị

Quảng Trị 1641 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn

Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt, cạnh đường quốc lộ 15, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh; cách trung tâm tỉnh lỵ (thị xã Đông Hà) khoảng 38km về phía Tây bắc; cách quốc lộ 1A (ở đoạn thị trấn huyện lỵ Gio Linh) chừng hơn 20km về phía Tây bắc. Sau ngày đất nước thống nhất, Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng đã phê chuẩn dự án xây dựng nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn tại địa bàn tỉnh Quảng Trị làm nơi tưởng niệm, tôn vinh những người con thân yêu của tổ quốc đã anh dũng hy sinh xương máu của mình trên các nẻo đường Trường Sơn vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nghĩa trang được khởi công xây dựng vào ngày 24/10/1975 và hoàn thành vào ngày 10/4/1977. Chỉ huy xây dựng là Bộ tư lệnh sư đoàn 559 với sự tham gia của hơn 40 đơn vị bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương. Ngoài ra còn có tổ công nhân chuyên khắc chữ vào bia đá xã Hoà Hải, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam. Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn là nơi quy tụ 10.333 phần mộ của các liệt sỹ; có tổng diện tích 140.000m2; trong đó, diện tích đất mộ là 23.000m2, khu tượng đài 7.000m2, khu trồng cây xanh 60.000m2, khu hồ cảnh 35.000m2 và mạng đường ô tô rải nhựa trong khuôn viên nghĩa trang 15.000m2. Phần đất mộ được phân thành 10 khu vực chính. Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn là nơi an nghỉ đời đời của các chiến sĩ đã hy sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kì chống Mỹ cứu nước. Đây là một công trình đền ơn đáp nghĩa đồ sộ nhất, quy mô nhất có tính nghệ thuật cao, thể hiện lòng thương nhớ sâu sắc, niềm biết ơn và sự tôn vinh thầm kín của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đối với những người con yêu quý trên mọi miền đất nước đã không tiếc máu xương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước. Nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập binh đoàn Trường Sơn (19/5/1959 – 19/5/1999), Đảng và Nhà nước đã quyết định cho nâng cấp, tôn tạo lại nghĩa trang Trường Sơn bao gồm nhiều hạng mục: Cổng vào nghĩa trang Trường Sơn, hệ thống đường và tường bao quanh, mô hình sở chỉ huy, biểu tượng của các địa phương, các cụm tượng, hệ thống thoát nước, điện nội bộ, trồng cây xanh xung quanh nghĩa trang và nhà khánh tiết, đài Tổ quốc ghi công...Đến nay tất cả các hạng mục của các công trình về cơ bản đã được hoàn tất. Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn ngày nay không chỉ là nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sỹ mà còn là nơi suy tôn, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tinh thần, ý chí đấu tranh giành độc lập và khát vọng hòa bình của nhân dân ta. Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn không chỉ là nơi để các gia đình liệt sỹ, các đoàn đại biểu của Đảng và Nhà nước, chính quyền các địa phương đến viếng thăm và thực hiện công việc đền ơn đáp nghĩa mà còn là nơi hành hương của nhân dân khắp mọi miền đất nước và bạn bè quốc tế theo truyền thống đạo lý cao đẹp của dân tộc Việt Nam: uống nước nhớ nguồn. Hiện nay, nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn có 24 cán bộ, nhân viên thường xuyên chăm lo việc coi sóc, tu bổ và tiếp đón các gia đình liệt sỹ, các đoàn khách trong và ngoài nước đến thăm viếng Nguồn: Văn Phòng Uỷ Ban Nhân Dân Tỉnh Quảng Trị

Quảng Trị 1473 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Sân bay Tà Cơn

Khu di tích sân bay Tà Cơn thuộc địa phận thôn Hòa Thành , xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Với địa hình như một thung lũng lòng chảo được bao bọc xung quanh những đồi núi, sân bay Tà Cơn là một trong những căn cứ điểm quân sự chiến lược của quân đội Mỹ trong những năm 1966 -1968 tại chiến trường Khe Sanh. Gần biên giới lại án ngữ Quốc lộ 9 nối liền từ Đông Hà (Việt Nam với Nam Lào), nơi đây có một vị thế chiến lược quan trọng về quân sự không chỉ trên chiến trường Quảng Trị mà còn cả khu vực Đông Dương. Chính vì vậy, Khe Sanh được quân đội Mỹ sử dụng như một bàn đạp cho các cuộc hành quân càn quét trên bộ. Sân bay Tà Cơn được xây dựng với mục đích cho các máy bay trinh sát kiểm tra, chỉ điểm cho nhiều họat động đánh phá, ngăn chặn và cắt đứt các tuyến đường Hồ Chí Minh.. Đặc biệt, nằm trong tuyến hệ thống hàng rào điện tử Namara được trải dài từ biển Cửa Tùng lên đến vùng biên giới, căn cứ Khe Sanh được xác định là trung tâm. Thế nên, quân đội Mỹ xây dựng một tập đoàn phòng ngự kiên cố nhất của Mỹ ở vùng địa đầu miền Nam Việt Nam gồm các cứ điểm: Làng Vây, Chi khu quân sự Hướng Hóa – cụm cứ điểm phòng ngự sân bay Tà Cơn. Và cụm cứ điểm Tà Cơn – sân bay Tà Cơn, được coi là khu trung tâm xây dựng với quy mô chạy dài 2km, rộng 1km, gồm nhiều tiểu cứ điểm với công sự kiên cố dày đặc và một sân bay cỡ lớn. Sân bay có diện tích khoảng 10.000m2 nằm giữa căn cứ với một đường băng được lát bằng hàng nghìn tấn ri nhôm và ri sắt. Nơi đây trở thành nơi cất, hạ cánh của các loại máy bay lên thẳng vũ trang, phản lực chiến đấu và cả các loại máy bay chuyên vận tải quân sự hạng nặng như C130 và C123. Trong khu vực sân bay có trụ sở chỉ huy cứ điểm, đài chỉ huy sân bay, đài liên lạc…cùng hệ thống công sự phòng ngự dày đặc. Bên ngoài là một hàng rào dây kèm gài bùng nhùng và những bãi mìn lớn. Cùng với các thiết bị quân sự hiện đại và vị trí quan trọng, sân bay Tà Cơn cùng các cao điểm kế cận đã hình thành nên một thế phòng ngự liên hoàn, cơ động, được quân đội Mỹ - ngụy lúc bấy giờ coi là một vị trí “cứng” nhất trong cả hệ thống tập đoàn cứ điểm Khe Sanh. Và sân bay Tà Cơn được quân đội Mỹ xem như một pháo đài bất khả chiến bại Tại đây, trước sức mạnh những cuộc tiến công giải phóng Khe Sanh của Quân đội nhân dân Việt Nam từ tháng 2 đến tháng 7-1968, quân đội Mỹ không còn cách nào khác ngoài việc mở cuộc rút quân chiến thuật bằng không quân nhằm cứu hàng nghìn lính Mỹ. Cách đây đúng 55 năm, ngày 9/7/1968, lá cờ chiến thắng của quân ta tung bay trên cứ điểm sân bay Tà Cơn. Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh kết thúc thắng lợi vang dội. Khe Sanh - Hướng Hóa là huyện đầu tiên của Quảng Trị và của miền Nam hoàn toàn được giải phóng và tạo niềm tin vững chắc để quân và dân ta tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tại khu di tích sân bay Tà Cơn hiện nay, nhà Bảo tàng về Đường 9 – Khe Sanh là nơi trưng bày hàng trăm hiện vật có giá trị về lịch sử, khoa học. Cùng với đó, hệ thống hầm hào, đài quan sát không lưu…được phục dựng trong khuôn viên sân bay. Năm 1986, di tích sân bay Tà Cơn được xếp hạng di tích Quốc gia. Nơi đây còn trưng bày những hiện vật ngoài trời như máy bay, xe tăng, pháo cùng hàng chục vỏ bom, đạn. Đây là những vũ khí, phương tiện chiến tranh mà quân đội Mỹ đã từng dùng để tham chiến tại chiến trường Khe Sanh – Tà Cơn cách đây tròn 55 năm. Nguồn: Bộ văn hoá thể thao du lịch

Quảng Trị 1561 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Nhà tù Lao Bảo

Di tích Nhà tù Lao Bảo hay còn gọi là Nhà đày Lao bảo nằm ở phía Tây Nam Đường 9, cạnh sông Sê Pôn, thuộc địa bàn thôn Duy Tân, thị trấn Lao Bảo; Di tích đã được xếp hạng Quốc gia ngày 25/01/1991. Dưới thời phong kiến Lao Bảo là đồn trấn ải biên thuỳ của Nhà Nguyễn dùng để trấn giữ một phần phên dậu phía Tây của Tổ quốc, vừa dùng làm nơi lưu đày các tội đồ có án phạt nặng. Từ khi thực dân Pháp đặt quyền bảo hộ lên đất nước Việt Nam, chính thức mở Đường 9 (năm 1904), thì sau 4 năm, chính quyền thực dân bắt tay vào việc nâng cấp Bảo Trấn Lao thời nhà Nguyễn thành nhà tù Lao Bảo (1908). Lúc mới lập, nhà tù Lao Bảo chỉ có hai dãy nhà giam bằng gỗ, lợp ngói, tường trét toóc xi, gọi là Lao A và Lao B; Mỗi dãy nhà dài 15m, rộng 5m, cao 2m có thể giam giữ được 60 tù nhân. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, nhiều phong trào cách mạng nổ ra khắp miền Trung, thực dân Pháp tăng cường săn lùng, bắt bớ đàn áp cách mạng. Để phục vụ cho việc giam giữ tù nhân là đảng viên Đảng Cộng sản. Cuối năm 1934, chúng cho xây dựng thêm hệ thống nhà lao kiên cố bằng bê tông, cốt thép là lao C, D, hầm E; Mỗi nhà lao dài 30m, rộng 6m. giam giữ được khoảng 180 tù nhân. Và Khu biệt giam có 13 buồng, mỗi buồng rộng 1m, cao 2,14m.. Toàn bộ các công trình được bao quanh bởi hệ thống tường thành kiên cố cao 3,5m và nhiều lô cốt bảo vệ ở các góc thành và các vị trí quan trọng. Ngoài ra, còn có một số công trình phục vụ khác như: Nhà Đồn trưởng, nhà tra tấn, hỏi cung, trại lính, kho, xưởng mộc, xưởng rèn…Các công trình này nằm trên diện tích hơn 10 ha. Nhà tù Lao Bảo là một trong năm nhà tù lớn nhất Đông Dương, đã giam cầm các nhà yêu nước, chiến sĩ cộng sản của vùng Trung Bộ. Với khí hậu khắc nghiệt, nạn muỗi rừng, lũ quét cùng với chế độ nhà tù hà khắc như: tra tấn dã man, lao dịch nặng nề; ăn uống tồi tệ, đau ốm không có thuốc men đã hành hạ thể xác con người đến chết dần, chết mòn…, nhà tù Lao Bảo trở thành địa ngục trần gian đối với tù nhân. Gần 40 năm tồn tại, nhà tù Lao Bảo đã giam cầm hàng ngàn chiến sĩ Cộng sản và người dân yêu nước. Trải qua hai cuộc chiến tranh, nhất là trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, Nhà tù Lao Bảo đã bị phá huỷ gần như hoàn toàn, nhiều công trình chỉ còn lại một phần kiến trúc như: Lao C, D, E, Nhà hỏi cung, Khu biệt giam, một số lô cốt… nhưng hầu hết đã bị biến dạng và trở thành hoang phế. Ngày nay, ngoài những chứng tích tội ác của kẻ thù gây ra đối với dân tộc ta, tại đây còn có một số công trình mới xây dựng nhằm phục vụ cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích như: Nhà trưng bày bổ sung, Cụm tượng đài, Nhà bia, Nhà đón tiếp… Nhà tù Lao Bảo là bằng chứng sống động về tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân ta trong những thập niên đầu thế kỷ 20. Nguồn: Báo Quảng Trị

Quảng Trị 1374 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải

Di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải thuộc địa bàn huyện Vĩnh Linh (các xã Vĩnh Thành, Vĩnh Giang, Vĩnh Sơn, thị trấn Cửa Tùng) và huyện Gio Linh (xã Trung Hải), tỉnh Quảng Trị. Địa danh Hiền Lương - Bến Hải là nơi đã chứng kiến nỗi đau chia cắt hai miền và những sự kiện lịch sử gắn với quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của quân và dân ta trong thời kỳ chống Mỹ - Ngụy. Sau khi Hiệp định Giơ Ne Vơ được ký kết (ngày 20/7/1954), nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền Bắc - Nam, lấy vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải) làm ranh giới, để chờ đến tháng 7/1956 tiến hành tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Nhưng với những biến cố do sự phá hoại của các thế lực thù địch, đã khiến chúng ta phải mất 21 năm sau (1975), với bao xương máu của chiến sĩ, đồng bào đã đổ xuống mới giành được độc lập, thống nhất đất nước. Trục chính của di tích này nằm xuyên suốt theo hướng Bắc - Nam mà trung tâm chính là chiếc cầu Hiền Lương lịch sử - nhịp nối giữa Cột cờ phía Bắc và Cụm tượng đài “Khát vọng thống nhất” ở bờ Nam. Các thành phần chính của di tích gồm: 1. Khu vực đôi bờ cầu Hiền Lương: Gồm các điểm di tích sau: Cầu Hiền Lương, Nhà Liên hợp, Cột cờ Hiền Lương, Hệ thống loa phóng thanh bờ Bắc, Đồn Công an Hiền Lương, Nhà trưng bày “Vĩ tuyến 17 và khát vọng thống nhất”, Đồn - Trạm Cảnh sát bờ Nam, Cụm tượng đài “Khát vọng thống nhất”. 2. Đồn Công an Cửa Tùng. Hiện nay, địa điểm Đồn Công an Cửa Tùng thuộc doanh trại Đồn Biên phòng 204. Ngoài chức năng dùng để làm việc, lưu trú, công trình còn phục vụ cho mục đích an ninh quốc gia. Tầng dưới của khu nhà hai tầng được dành một phần để làm Nhà truyền thống của Đồn, trưng bày 92 ảnh tư liệu, 60 hiện vật liên quan trực tiếp đến lịch sử đấu tranh cách mạng của cán bộ, chiến sĩ Đồn Công an Cửa Tùng, các đồn, trạm dọc theo bờ Bắc sông Bến Hải và Đồn Biên phòng 204 từ năm 1954. 3. Các bến đò trên sông Hiền Lương - Bến Hải: Gồm các điểm di tích sau: Bến đò Cửa Tùng (Bến đò A), Bến đò Tùng Luật (Bến đò B), Bến đò Lũy (Bến đò C), Bến đò Thượng Đông và Dục Đức. 4. Đài di tích gồm: bệ đài và tổ hợp mang tính nghệ thuật biểu trưng, với hình tượng những con thuyền đang lao về phía trước, bất chấp mọi hiểm nguy, bom đạn của kẻ thù, đêm đêm đưa hàng hóa, bộ đội vào chiến trường đánh Mỹ. Ngoài việc bảo tồn, tôn tạo các di tích, Lễ hội thống nhất non sông được định kỳ tổ chức tại di tích vào ngày 30 tháng 4 hằng năm (năm thường do địa phương tổ chức, năm chẵn do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị đồng tổ chức). Đây là một lễ hội cách mạng đặc sắc, riêng có ở khu di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Quảng Trị. Với những giá trị đặc biệt của di tích, ngày 09/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã xếp hạng Di tích lịch sử Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải (huyện Vĩnh Linh và huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) là di tích quốc gia đặc biệt . Nguồn: Cục Di sản văn hóa

Quảng Trị 1411 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Thành cổ Quảng Trị

Di tích Thành cổ Quảng Trị nằm giữa lòng thị xã Quảng Trị; cách quốc lộ 1A gần 1km về phía đông bắc, cách thành phố Đông Hà - tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Trị hiện nay khoảng 14km về phía đông nam. Thành Cổ Quảng Trị được xây dựng từ thời vua Gia Long và đến thời vua Minh Mạng mới hoàn thiện, kéo dài gần 28 năm (1809-1837), Thành lúc đầu được đắp bằng đất, đến năm 1837 vua Minh Mạng cho xây lại bằng gạch. Khuôn viên Thành có dạng hình vuông với chu vi tường thành dài 2160m, thành cao 3m, dưới chân dày 13,5m, đỉnh dày 0,72m. Bên ngoài thành có hệ thống hào rộng bao quanh. Bốn góc thành là 4 pháo đài cao nhô hẳn ra ngoài. Thành có 4 cửa: Tiền, Hậu, Tả, Hữu Xây vòm cuốn, rộng 3,4m, phía trên có vọng lâu, mái cong, lợp ngói, cả 4 cửa đều nằm chính giữa 4 mặt Thành. Trong suốt thời gian đô hộ và thống trị của thực dân Pháp, Thành Cổ Quảng Trị với tư cách là trung tâm đầu não của bộ máy cai trị cấp địa phương, cấp tỉnh. Thành Cổ Quảng Trị được quân đội Pháp chọn làm một trong những cứ điểm quan trọng của hệ thống đồn quân sự. Pháp đã cho xây dựng thêm một hệ thống nhà tù, mở rộng và kiên cố hoá khu lao xá để làm nơi giam giữ những người yêu nước, các chiến sĩ cách mạng trong tỉnh và khu vực. Nhà lao Quảng Trị có lúc đã trở thành trung tâm lãnh đạo phong trào cách mạng bởi chính đây từng là nơi giam giữ những hạt nhân nòng cốt của thanh niên, những chiến sĩ cộng sản đầu tiên của Quảng Trị và nhiều vị lãnh đạo của Tỉnh ủy, Xứ ủy thuộc thời kỳ tiền khởi nghĩa. Đến thời kỳ Mỹ - ngụy. Sau khi hiệp định Giơnevơ được ký kết ngày 20/7/1954, theo hiệp định lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới chia cắt tạm thời. Một phần của Quảng Trị từ Sông Bến Hải trở ra được giải phóng, các huyện từ Gio Linh trở vào Hải Lăng trở thành thuộc địa kiểu mới của đế quốc Mỹ. Thị xã Quảng Trị, trong đó có Thành Cổ Quảng Trị trở thành trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế – xã hội. Mỹ – ngụy biến Thành Cổ thành khu quân sự, làm kho tàng quân đội và trung tâm chỉ huy chiến dịch toàn tỉnh, đồng thời mở thêm nhà giam để đàn áp phong trào cách mạng. Cuộc tấn công chiến lược năm 1972 trên toàn miền Nam bắt đầu. Ngày 28 tháng 4 ta chiếm được Đông Hà và tiến đến sát thị xã Quảng Trị. Ngày 2/5, Thị xã Quảng Trị được giải phóng. Thắng lợi của chiến dịch Quảng Trị năm 1972 đã làm thay đổi cơ bản cục diện chiến trường, đẩy chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” của Mỹ đến bờ vực phá sản, tạo đà và thế cho việc giải phóng hoàn toàn miền Nam. Để mất Quảng Trị, Mỹ – nguỵ đã điên cuồng mở cuộc phản kích tái chiếm Quảng Trị với mật danh “Lam Sơn 72”. Trong đó mục tiêu số 1 là phải chiếm được Thành Cổ Quảng Trị. Thị xã Quảng Trị trong 81 ngày đêm từ 28 tháng 6 đến 16 tháng 9 được ví như một túi bom. Trung bình mỗi ngày địch huy động 150-170 lần chiếc máy bay phản lực, 70 – 90 lần chiếc B52 để ném bom huỷ diệt thị xã và Thành Cổ Quảng Trị. Với diện tích chưa đầy 3 cây số, trong 81 ngày đêm thị xã và Thành Cổ Quảng Trị phải gánh chịu 328.000 tấn bom đạn, trung bình mỗi chiến sỹ của ta phải gánh chịu 100 tấn bom, 200 quả đạn pháo. Ta thì hạ quyết tâm giữ cho bằng được thành, còn địch cố chiếm cho được thành bằng mọi giá. Hàng ngàn chiến sĩ đã hy sinh tại đây chưa lấy được hài cốt vì khói lửa bom đạn quá nhiều, xương máu các anh đã hòa quyện vào gạch đá đổ nát. Chính vì vậy mà ngày nay tại trung tâm di tích người ta xây đài tưởng niệm hình thành ngôi mộ chung cho hàng ngàn chiến sĩ đã ngã xuống trong những ngày đêm khốc liệt này. Ngôi mộ tập thể này được thiết kế theo quan niệm triết lý âm dương mang ý nghĩa sâu sắc là để siêu thoát cho linh hồn những người đã khuất. Có 81 bậc thang đi lên tượng trưng cho 81 ngày đêm chiến đấu ở thành cổ Quảng Trị. Nguồn: Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị

Quảng Trị 1320 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Chùa Sắc Tứ Tịnh Quang

Chùa Sắc Tứ nằm trên vùng đồi phía tây nam làng Ái Tử thuộc địa phận thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Chùa thuộc hệ phái Phật giáo Bắc tông. Chùa Sắc Tứ Tịnh Quang ban đầu có tên là Am Tịnh Độ, được xây dựng từ những năm đầu thời Lê (1735 - 1739) . Năm Kỷ Sửu, Vĩnh Hựu thứ 5 (1739, đời vua Lê Ý Tông) chúa Nguyễn Phúc Khoát (Võ Vương) trong một dịp ngự giá ra Quảng Trị, cảm khái với cảnh trí chốn Phật đường và tiếng tăm của chùa trong dân chúng nên đã thân hành ngự bút viết 5 chữ "Sắc Tứ Tịnh Quang Tự" rồi cho làm bảng sơn son thếp vàng để tặng cho chùa. Từ đó Am Tịnh Độ đổi thành chùa Tịnh Quang và dân chúng cũng từ đó quen gọi chùa bằng cái tên là chùa Sắc Tứ (chùa được nhà nước sắc phong), còn nhà Phật thì quen dùng tổ hợp: Tổ đình Sắc Tứ Tịnh Quang. Chùa có cấu trúc gồm một ngôi nhà rường truyền thống có mái chồng diêm, nguyên liệu chủ yếu được sử dụng là xi măng, cốt thép với tổng diện tích là 837m2. Bộ mái trang trí công phu bằng nghệ thuật đắp vữa và ghép mảnh sành sứ. Bờ nóc của chùa thẳng, trang trí hoa văn hình rồng. Trong khuôn viên chùa có đài Quan Thế Âm Bồ Tát (xây dựng năm 1976) cùng một số tháp là phần mộ của các vị sư trụ trì đã quá cố. Cổng tam quan xây hai tầng mái, tầng trên tôn trí tượng Hộ Pháp hướng mặt vào chùa. Sau tam quan có chiếc cầu bắc qua hồ sen để đi vào sân trước chùa và chánh điện. Ngôi chánh điện có chiều sâu 31m, rộng 27m, cao gần 15m, kiến trúc mái chồng diêm, phần nóc trang trí tứ linh; mặt trước, giữa hai mái có 5 bức phù điêu về cuộc đời đức Phật: Đản sanh, xuất gia, thành đạo, thuyết pháp và nhập niết bàn. Chính điện chùa Sắc Tứ ở gian giữa, lớp trên thờ bộ tượng Tam Thế, kế tiếp là Thích Ca tọa thiền cùng tả, hữu là A Nan Đà và Ca Diếp đang đứng. Ngoài cùng là Di Lặc, Thích Ca sơ sinh. Gian bên tả thờ tượng Quan Thế Âm Bồ Tát. Phía trước có tượng Phổ Hiền Bồ Tát đang ngồi trên mình lân. Gian hữu thờ tượng địa tạng Bồ Tát, phía trước là tượng Văn Thù Bồ Tát đang cưỡi long mã. Hậu điện thờ tượng Bồ Đề Đạt Ma, tổ sư Chí Khả- người dựng nên chùa Sắc Tứ cùng hai vị hòa thượng là Tuyết Phong và Bửu Ngạn- những người thuộc thế hệ đầu tiên trụ trì ở chùa. Chùa có pho tượng đức Phật Thích Ca bằng đồng nặng 2700 kg, đúc năm 1997 và chiếc trống lớn bằng da trâu, đường kính mặt trống là 165 cm. Trong khuôn viên chùa có đài Bồ tát Quan Thế Âm. Chùa Sắc tứ Tịnh Quang là ngôi tổ đình danh tiếng của Phật giáo xứ Đàng Trong, là nơi từng bồi dưỡng và đào tạo nhiều danh tăng thạc đức. Lễ hội giỗ Tổ chùa hằng năm vào ngày 18 tháng 2 âm lịch, tổ chức rất quy mô với sự tham dự của hàng ngàn Tăng Ni, Phật tử ở Quảng Trị, các tỉnh lân cận và khách hành hương khắp nơi. Ngày 15/11/1991 chùa được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia. Nguồn: Báo Quảng Trị

Quảng Trị 1605 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Điểm di tích nổi bật