Ứng dụng số 1 về khám phá du lịch 63 tỉnh thành Việt Nam

Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch 63Stravel

Tải ứng dụng 63Stravel

Logo 63stravel

Di tích lịch sử

Vĩnh Long

Tượng đài Đốc binh Lê Cẩn và Nguyễn Giao

Tượng đài Lê Cẩn- Nguyễn Giao được xây năm 2004 tại ngã ba An Nhơn, thị trấn Vũng Liêm, có chiều cao 7,5m, chất liệu đồng, nặng 21,5 tấn. Tượng được xây dựng nhằm tưởng niệm 2 anh hùng dân tộc là Đốc binh Lê Cẩn và Nguyễn Giao trong buổi đầu lịch sử đấu tranh chống thực dân Pháp. Ngày 20/6/1867, Pháp đánh chiếm Vĩnh Long lần thứ hai, cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Vĩnh Long vùng lên tổ chức nhiều cuộc khởi nghĩa chống giặc ngoại xâm. Đầu tiên có nhóm Đàng cựu (là nhóm quan triều đoàn kết khởi binh), rồi đến hai con của Phan Thanh Giản là Phan Tôn và Phan Liêm phất cờ phản kháng, nhưng lần lượt thất bại…Trước sự đàn áp của quân xâm lăng, lòng dân yêu nước càng sôi máu căm hờn, khoảng năm 1872 cuộc khởi nghĩa ở Vũng Liêm bừng dậy, lãnh đạo phong trào kháng Pháp này là Lê Cẩn và Nguyễn Giao. Lê Cẩn và Nguyễn Giao đều xuất thân là nông dân, nhưng có ít nhiều học thức, lại có tấm lòng yêu nước nồng nàn, nên khi hai ông đứng lên kêu gọi nhân dân kháng Pháp đã nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của nông dân và sĩ phu quanh vùng. Vào một đêm của năm Nhâm Thân (1872), thực hiện chiến lược của Lê Cẩn- Nguyễn Giao, Phó Mai kéo nhóm dân quân chừng vài ba mươi người đánh phá chợ quận Vũng Liêm, giết chủ quận tên Thực và 6 tên lính. Sau chiến thắng vang dội này, quân Pháp tiến hành đàn áp dữ dội và chúng đưa đốc phủ Tôn Thọ Tường đến trấn nhậm Vũng Liêm thay tên chủ quận đã bị nghĩa binh hạ sát, ngoài ra còn có tên tham biện Alix Salicetti nổi tiếng nham hiểm đi cùng, nhưng lực lượng kháng chiến không nao núng, tạm thời rút lui, ẩn náu chờ thời cơ phản kích. Để tiêu diệt tên Salicetti, Lê Cẩn nghĩ ra kế trá hàng, dụ địch vào bẫy phục kích của nghĩa quân tại Cầu Vông. Ngày 15/2/1872, Salicetti dẫn đoàn tùy tùng đến Vũng Liêm gặp nghĩa quân. Khi đến Cầu Vông, Đốc binh Lê Cẩn vừa thấy Salicetti ngồi ngựa đến gần đầu cầu liền chống tầm vông nhảy vọt qua, ôm Salicetti vật ngã xuống đất. Vào lúc ấy, tiếng trống trận vang rền, Nguyễn Giao kéo nghĩa quân chặn đường rút lui của lính Pháp và giết trên 10 tên. Trong khi đó, Đốc binh Lê Cẩn và Salicetti ôm vật nhau rơi xuống sông và cùng chết dưới nước. Nguyễn Giao lấy thủ cấp Salicetti và cùng dân, quân chôn cất Đốc binh Lê Cẩn bên một mé rừng. Sau đó, tên tổng đốc Trần Bá Lộc đem theo quân bắt và giết hết dân trong ấp. Thây người lấp cả “Vũng Linh” (nay đọc trại ra là Vũng Liêm), nhà cửa nhân dân cũng bị đốt sạch. Nguyễn Giao tiếp tục kháng Pháp, nhưng đại sự không thành, ông bị giặc bắn thác tại sông Cổ Chiên và thây người chí sĩ trẻ tuổi bị trôi mất tích. Tuy hai anh hùng, chí sĩ đã hy sinh, nhưng tên tuổi của Đốc binh Lê Cẩn- Nguyễn Giao vẫn sống mãi với sử sách, được các thế hệ hôm nay lưu nhớ. Nguồn: Du lịch Vĩnh Long

Vĩnh Long 1581 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Tân Hoa

Đình Tân Hoa thuộc huyện Vĩnh Bình, Phủ Định Viễn, nay ở tại ấp Tân Hưng, xã Tân Hòa, thành phố Vĩnh Long. Đình Tân Hoa nằm bên bờ sông Tiền, hướng mặt ra vàm rạch Cái Đôi nên dân thường gọi là đình Cái Đôi. Đây là một công trình kiến trúc vừa mang tính nghệ thuật, vừa ghi dấu một thời lưu dân Việt đã đến đây khai hoang lập ấp. Năm 1998, đình Tân Hoa đã được công nhận là di tích "lịch sử-văn hóa" cấp quốc gia. Đình Tân Hoa được xây khoảng giữa thế kỷ 18. Ngày nay, chưa có tài liệu chứng minh niên đại xây dựng đầu tiên của ngôi đình, nhưng hiện nay, đình Tân Hoa còn lưu nhiều hiện vật như bài văn tế thần Thành Hoàng Đại Vương - dấu ấn tín ngưỡng có từ thế kỷ 18… Đặc biệt nhất, đình còn một biển hiệu cổ khắc ba chữ Tân Hoa Đình theo lối triện làm trong năm Mậu Ngọ (1798), kích thước to lớn, chứng tỏ lúc đó, quy mô đình Tân Hoa không nhỏ. Vào khoảng đời Thiệu Trị (1841 - 1847), tên làng Tân Hoa do trùng tên húy bà Hoàng Thái hậu Hồ Thị Hoa (vợ vua Minh Mạng, mẹ vua Thiệu Trị) nên bị đổi thành Tân Hóa. Đến ngày 29 tháng 11 năm Tự Đức thứ năm (08/01/1853), làng Tân Hóa cũng như bao làng khác ở trong vùng đều đồng loạt được sắc phong Bổn cảnh Thành Hoàng chi thần. Thế nhưng, văn bản quý giá này không tồn tại lâu dài. Năm 1862 quân viễn chinh Pháp đã nã súng thôn tính các tỉnh miền Đông Nam bộ và tỉnh Vĩnh Long thì sắc thần Tân Hoa đã bị thiêu hủy. Do đó, khi thực hiện Hiệp ước năm 1862, tỉnh Vĩnh Long được trả lại cho triều đình Huế thì chính quyền đương thời đã nhanh chóng báo cáo và Bộ Lễ đã cấp tốc tái cấp cho làng Tân Hoa một bản sao sắc thần này. Vào giai đoạn đầu của thời Pháp thuộc, làng Tân Hóa nhập với làng Tân Hội, Tân Nhơn, lấy tên mới là Tân Hòa. Do đó vào năm Canh Tuất (1910), đình Tân Hóa được trùng tu và lấy tên là “Tân Hoà linh miếu”. Đình Tân Hoà gồm có sáu nóc làm theo kiểu xếp đọi, mang dáng dấp chung đình làng Nam bộ nhưng cũng có những nét riêng. Chánh điện là một ngôi nhà tứ trụ, được nới rộng ra bốn phía bằng kèo đấm và tám kèo quyết. Còn các ngôi nhà khác như võ ca, võ quy, hậu điện… đều làm theo kiểu ba gian hai chái. Nền đình xây bằng đá chẻ, lần trùng tu sau này đã xây tường gạch bao quanh và cũng không giấu được dấu ấn mỹ thuật của thời gian này là các hoa văn Pháp trên đầu cột ngoài hàng hiên phía trước. Mái đình được lợp bằng ngói âm dương, nối liền nhau bằng hệ thống máng xối. Các bờ nóc, bờ mái được xây cao và gắn nhiều hình trang trí bằng sành như liễn long tranh châu, cá hóa long, phượng hàm thư, rồng khoanh, bát tiên, ông Mặt trời và bà Mặt trăng. Trong đình Tân Hoa còn giữ được hàng chục bộ bao lam, hàng chục hoành phi, câu đối, rất nhiều tự khí như lỗ bộ, lư, đỉnh, hương án, khánh thờ… Mỗi năm, tại đình Tân Hoa có các ngày lễ : - Lễ Thượng Điền vào ngày 11 và 12 tháng 9 âm lịch. - Đặc biệt, đình Tân Hoa còn giữ lệ vía Thần Thành Hoàng, tức ngày Kỳ yên (cũ) khi mới thành lập đình, trước khi được nhà Nguyễn chuẩn mực hóa. - Nhưng ngày lễ lớn nhất của ngôi đình này là ngày Hạ Điền – Kỳ yên, từ ngày 11 đến 13 tháng ba âm lịch hàng năm. Đình Tân Hoa là một công trình kiến trúc mang tính nghệ thuật, minh chứng cho một giai đoạn lịch sử khá dài. Trải bao thăng trầm từ khi cha ông chúng ta bắt đầu khai hoang lập ấp, thành lập xóm làng, thế nhưng, mặc dù trong hoàn cảnh nào, cha ông chúng ta vẫn cố gắng bảo tồn di sản văn hóa. Do đó, đình Tân Hoa được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử – văn hóa năm 1998. Nguồn: Sách Di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Vĩnh Long

Vĩnh Long 1252 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Thánh tịnh Ngọc Sơn Quang

Di tích Thánh tịnh Ngọc Sơn Quang thuộc ấp Tân Thiềng, xã Tân Long Hội, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Vào khoảng đầu năm 1928, ông Trương Như Thị cùng các chức sắc đạo Cao Đài tạo lập nhà tịnh Kim Linh. Họ đạo ở đây theo hệ phái Tiên Thiên. Năm 1936, ông Trương Hoàng Ngự một chức sắc Cao Đài hiến 7 công đất để xây dựng thánh tịnh làm nơi thờ tự mới. Năm 1936, Thánh tịnh Ngọc Sơn Quang đã được hoàn thành. Ngay từ năm 1931, bên cạnh các việc hành đạo, các chức sắc và các tín đồ Ngọc Sơn Quang có những hoạt động cách mạng. Năm 1936, thực dân Pháp niêm phong Thánh tịnh Ngọc Sơn Quang. Sau Nam Kỳ khởi nghĩa năm 1940, nhiều chức sắc, tín đồ bị bắt bớ, lưu đày. Dù khó khăn như vậy nhưng Ngọc Sơn Quang vẫn hướng về cách mạng. Năm 1943, tổ chức Đảng phân công đồng chí Trần Văn Sen phá bỏ niêm phong thánh tịnh Ngọc Sơn Quang và các hoạt động ở thánh tịnh Ngọc Sơn Quang diễn ra ngày càng mạnh mẽ hơn, các đoàn thể nơi đây hoạt động dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, tháng 8/1945 các đoàn thể ở Ngọc Sơn Quang cùng nhân dân vùng lên giành chính quyền về tay Nhân dân. Trong kháng chiến chống Pháp, nơi đây là điểm tựa vững chắc của cách mạng. Nhiều đơn vị bộ đội, cán bộ lãnh đạo của Vũng Liêm, Mang Thít bám trụ nơi đây chỉ đạo phong trào của địa phương. Năm 1954, chi bộ Đảng của Thánh tịnh Ngọc Sơn Quang ra đời chỉ đạo các hoạt động cách mạng của thánh tịnh. Giai đoạn chống Mỹ cứu nước, nhiều hoạt động cách mạng diễn ra có lúc âm thầm bí mật, có lúc diễn ra công khai trực diện với kẻ thù giành thắng lợi lớn trên nhiều mặt. Nổi bật là sự kiện Thánh tịnh Ngọc Sơn Quang dựng đài Ngưỡng Thiên - tổ chức lễ cầu nguyện Hòa Bình, sự kiện này diễn ra từ ngày 12 đến ngày 16 tháng 11 năm 1970. Lễ hội đã chủ trương diễn đàn chống xâm lược Mỹ, khẳng định Việt Nam nhất định hòa bình độc lập. Sự kiện này gây tiếng vang trong nước và quốc tế. Nhiều hãng thông tấn nước ngoài đã đến Ngọc Sơn Quang trực tiếp đưa tin ra toàn thế giới. Kẻ thù tìm mọi cách triệt phá buổi lễ, đàn áp tôn giáo. Đài Ngưỡng Thiên vẫn đứng vững trong sự đoàn kết bảo vệ của tín đồ, nhân dân. Sự kiện này làm cho kẻ thù run sợ. Năm 2007, Đài Ngưỡng Thiên đã được Nhà nước kết hợp với các tín đồ các họ đạo Cao Đài trong và ngoài tỉnh đầu tư kinh phí phục dựng lại công trình quy mô và hoành tráng hơn để ghi nhận lại sự kiện lịch sử mang tầm vóc thế giới và cũng để Nhân dân có nơi cầu nguyện cho hòa bình. Sự kiện thứ hai cũng tạo ra tiếng vang lớn diễn ra tháng 7 năm 1973. Tín đồ, chức sắc Ngọc Sơn Quang trực tiếp lên gặp quận trưởng Minh Đức, tỉnh trưởng Vĩnh Long, chỉ huy vùng bốn chiến thuật, Bộ nội vụ, Phủ thủ tướng, Tối cao pháp viện, Bộ chỉ huy cảnh sát quốc gia của ngụy, đấu tranh quyết liệt chống bắt lính. Trước làn sóng đấu tranh mạnh mẽ của Ngọc Sơn Quang, địch phải nhượng bộ thả 181 tín đồ bị giam giữ, cam kết chấm dứt các hoạt động bố ráp, lùng sục Thánh tịnh. Ngày nay, cứ đến ngày 14 và 15 tháng 11 âm lịch hàng năm, tại Thánh tịnh Ngọc Sơn Quang đều tổ chức kỷ niệm Lễ cầu nguyện hoà bình đầy trang trọng và thành kính. Ngoài ra, di tích Thánh tịnh Ngọc Sơn Quang có các lễ hội chính: Lễ vía Đức Chí Tôn (Thượng Đế) ngày 9 tháng giêng âm lịch. Lễ Thượng Nguyên ngày 15 tháng giêng âm lịch. Lễ Trùng Ngũ, cúng Thần Nông ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch. Lễ Trung Nguyên ngày 15 tháng 7 âm lịch. Lễ Hạ Nguyên và lễ khai đạo ngày 15 tháng 10 âm lịch. Di tích Thánh tịnh Ngọc Sơn Quang được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, loại hình lịch sử cách mạng ngày 31/8/1998. Nguồn: Lịch sử Đảng bộ huyện Mang Thít

Vĩnh Long 1297 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Phước Hậu

Chùa Phước Hậu tọa lạc tại ấp Đông Hậu, xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Đây là ngôi cổ tự tổ đình Phật giáo dòng Lâm Tế, phái Chúc Thánh, đồng thời nổi tiếng với công trình vườn kinh bằng đá độc đáo, có một không hai ở Miền Tây. Khởi nguyên, chùa Phước Hậu chỉ là một chiếc am tranh. Năm 1894, mọi người trong làng cùng nhau xây dựng am tranh thành một ngôi chùa sườn gỗ, mái ngói âm dương, vách ván, nền gạch. Ngôi chùa này là một dạng chùa làng nên được đặt tên là chùa Đông Hậu. Năm 1910 đổi hiệu chùa Đông Hậu thành Phước Hậu, tăng ni tín đồ đến quy y thọ giới ngày thêm đông. Trong giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc, chùa Phước Hậu còn là nơi nuôi chứa cán bộ cách mạng ngay trong lúc khó khăn nguy hiểm nhất. Nhiều tu sĩ tu học ở chùa, đã tuân lời dạy dỗ của các vị Hòa thượng nghe theo lời kêu gọi của Tổ quốc, đã “cởi áo cà sa, khoác áo chiến bào”. Ðây là một di tích có tầm quan trọng đặc biệt đối với lịch sử Phật giáo Việt Nam thế kỷ 20 cũng như lịch sử Cách mạng của tỉnh Vĩnh Long và khu Tây Nam Bộ thời chiến tranh. Sau nhiều lần trùng tu, xây mới, chùa Phước Hậu hiện nay gồm nhiều công trình như chánh điện, trung điện, hậu tổ, tàng kinh các, hệ thống bảo tháp… Trừ chánh điện là công trình xây mới năm 1962 bằng vật liệu hiện đại theo mô hình kiến trúc kết hợp Đông – Tây, các công trình khác là các bộ phận của ngôi chùa cũ, có từ năm 1894. Chánh điện chùa Phước Hậu hình chữ “sơn”, nhìn xuống dòng sông. Mặt tiền chùa xây theo kiểu cổ lầu, giữa trang trí mô hình ngôi tháp bảy tầng cao chót vót. Nội điện khá rộng, bàn thờ giữa đặt tượng đức Phật Thích Ca dạng tọa thiền cùng với tượng Thái tử Tất Đạt Đa sơ sinh và bộ Tam tôn (Quan Âm, Di Đà, Thế Chí). Hai bên tả hữu ban có hai bàn thờ. Ở đây có nhóm tượng rất quý của ngôi chùa Đông Hậu xưa còn giữ được như tượng Tiêu Diện đại sĩ, Hộ Pháp, Địa Tạng, Chuẩn Đề và bộ tượng La Hán đều bằng gỗ hoặc bằng gốm Cây Mai. Chùa có vườn kinh đá rất độc đáo, là những bài kinh khắc trên đá rất công phu. Vườn kinh pháp cú gồm 213 phiến đá màu xanh kích thước 0,4×0,6m, khắc 423 bài kinh trên 2 mặt, ngoài ra còn có một bài thơ nói về đại ý của bộ kinh pháp cú, 1 bài nói về công hạnh của người tu, phật tử và một phiến đá khắc hình Hòa thượng Thích Minh Châu. Các phiến đá được sắp xếp bố cục mô phỏng lá bồ đề xòe ra theo tám hướng, tượng trưng Bát chánh đạo. Trung tâm vườn là ngọn núi có bốn tượng Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngoài ra còn có Vườn kinh A Di Đà và Vườn kinh Bắc Truyền trích diễm. Vườn kinh A Di Đà có 31 phiến đá được bố cục theo một dãy hồ nhỏ trồng sen hình chữ S, tượng trưng nước Việt. Mỗi miền Bắc, Trung, Nam có một phiến đá đặt giữa hồ ghi ngôi chùa biểu trưng, thêm những hòn giả sơn biểu tượng như núi Yên Tử, Thất Sơn… Các bài kinh ở vườn kinh này được dịch theo thể thơ lục bát. Chùa còn có một số phiến đá khắc thêm tiếng Anh cạnh tiếng Việt để khách du lịch nước ngoài hiểu được khi đến tham quan và nhiều phiến đá khắc chữ tâm, nhẫn, những lời răn dạy của đạo Phật rất độc đáo… Chùa Phước Hậu được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia ngày 25/01/1994. Nguồn: Du lịch Vĩnh Long

Vĩnh Long 1352 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Long Thanh

Long Thanh Miếu Vũ hay còn được quen gọi bằng đình Long Thanh tọa lạc bên bờ sông Long Hồ, là công trình kiến trúc cổ tiêu biểu có niên đại hơn trăm tuổi tại Thành phố Vĩnh Long và được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia ngày 25 tháng 3 năm 1991. Đình Long Thanh được xây dựng vào khoảng năm 1754, bởi người của năm họ Mai, Hồ, Mạc, Võ, Đoàn và nhiều lưu dân khác đến Vĩnh Long khai phá, dựng làng, lập ấp và xây đình để thờ Thần hoàng làng. Ban đầu ngôi đình này được xây tạm bằng cây lá tại vàm Bùng Binh, sau đó đến năm 1844 ông Nguyễn Văn Khiêm – người dân trong làng do nhận thấy vị trí ngôi đình không thuận lợi nên đã cúng mảnh đất khoảng 2 hecta nằm bên bờ sông Long Hồ để dời đình Long Thanh về đây. Cho đến năm Tự Đức 1852, đình Long Thanh được triều đình nhà Nguyễn sắc phong là Bổn cảnh Thành Hoàng chi Thần (ý là phong tước Bổn Cảnh Thành Hoàng làm Thần), hiện tại bản Sắc phong này còn được thờ tại nhà của hậu duệ con cháu dòng họ Hồ tại Vĩnh Long. Đến năm 1913, đình Long Thanh được trùng tu, xây mới bằng gạch ngói kiên cố và đổi hiệu thành Long Thanh Miếu Vũ cho đến ngày nay. Nhìn tổng thể, đình Long Thanh được xây dựng theo lối kiến trúc đình làng phổ biến ở Nam Bộ. Mặc dù không đồ sộ như đình làng Bắc Bộ, nhưng quá trình hình thành các ngôi đình làng Vĩnh Long là sự phản ánh chân thật về đời sống văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng dân cư địa phương từ thuở đầu đến vùng đất này khai hoang, mở cõi. Đình Long Thanh mang lối kiến trúc Á Đông tiêu biểu với mái đình gồm năm căn nóc hình chóp, hai căn nóc bánh ít, lợp ngói vẩy cá và có nhiều căn phụ sát liền kề… là kiểu thiết kế đình chùa khá thông dụng ở miền Tây Nam Bộ. Cũng giống như Công Thần Miếu Vĩnh Long, bố cục bên trong đình Long Thanh được chia làm 4 gian chính, gồm võ quy, võ ca, chính tẩm, nhà khách ngoài ra còn có nhà bếp. Giữa sân đình Long Thanh là tấm bình phong, rồi đến nhà võ quy và võ ca - nơi dùng để xây chầu, hát bội và tổ chức các ngày lễ quan trọng của làng. Chính tẩm được đặt ở trung tâm đình Long Thanh là nơi dùng để thờ Thành Hoàng làng, có thiết kế kiểu tứ trụ với tám kèo đấm và tám kèo quyết nhằm để đảm bảo khô ráo vào mùa mưa và thông khí vào mùa nắng. Phần phía sau đình Long Thanh là nhà khách và nhà bếp nằm phía bên trái ngôi đình. Ngoài thờ Thành hoàng làng, tại chính điện đình Long Thanh còn thờ bài vị Quốc Tổ Hùng Vương, Tả Hữu Ban liệt vị, thần Bạch Mã Thái Giám và được trang hoàng bởi nhiều bao lam, hoành phi, câu đối… được sơn son thếp vàng, chạm trổ tinh tế. Phần hậu cung đình Long Thanh có không gian nhỏ nhưng kín đáo là nơi thờ cúng các vị tiền hiền, hậu hiền và lưu giữ các vật thiêng. Bên cạnh đó, ở phía trước sân đình Long Thanh còn thờ đàn xã tắc (bàn thờ thần Nông), bia ông Hổ, miếu Bạch Hổ, miếu Ngũ Hành Nương Nương. Hằng năm, tại đình Long Thanh thường diễn ra hai ngày lễ lớn là Lễ Hạ Điền vào rằm tháng 3 âm lịch và Lễ Thượng Điền vào rằm tháng 10 âm lịch. Ngoài ra, đình Long Thanh còn là nơi lưu giữ các nghi lễ truyền thống của Nam Bộ như lễ tế Túc Yết, tế Tiền Hiền, Hậu Hiền, Xây Chầu, Đại Bội, Hồi Chầu… Nguồn: Du lịch Vĩnh Long

Vĩnh Long 1153 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Lăng Ông Tiền quân Thống chế Điều bát

Khu di tích Lăng Ông Tiền quân Thống chế Điều bát, thuộc ấp Giồng Thanh Bạch, xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Quan Tiền tướng quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn tên thật là Thạch Duồng (1763 – 1820), một người dân tộc Khơ-me, quê ở tại làng Nguyệt Lãng, xã Bình Phú, Càng Long (Trà Vinh). Ông theo phò chúa Nguyễn, có công lớn trong việc khai khẩn vùng đất Trà Ôn, Cầu Kè và tạo được mối đoàn kết giữa các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, ngăn chặn được sự xâm lấn của quân Xiêm La. Ông cùng các tướng sĩ tham gia hỗ trợ cùng Thoại Ngọc Hầu đào vét kênh Vĩnh Tế nên chúa Nguyễn cảm kích phong chức Điều bát và được mang Quốc thích là Nguyễn Văn Tồn. Khi ông mất được truy tặng là Tiền quân Thống chế Điều bát. Theo tài liệu của nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường thì Thống chế Nguyễn Văn Tồn bị nhiễm bệnh dịch trong lúc tham gia đốc thúc đào kinh Vĩnh Tế. Năm đó có dịch lớn, giết chết hàng ngàn dân phu và lan rộng ở nhiều tỉnh Nam Kỳ. Vợ chồng Thống chế Nguyễn Văn Tồn mất cùng một ngày sau Tết Canh Thìn 1820. Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên là sau khi vợ chồng Thống chế Điều bát mất thì dịch bệnh tự dưng chấm dứt. Bấy giờ người dân vùng Trà Ôn – Mân Thít cho rằng ông hiển linh phù hộ dân làng khỏi dịch bệnh nên kéo đến lăng mộ làm lễ cúng vái ông, mong được che chở và tín ngưỡng thờ ông Thống chế Điều bát xuất phát từ đó. Lăng Ông Trà Ôn thờ Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn, tồn tại đã 200 năm đã qua nhiều lần trùng tu, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp quốc gia vào năm 1996. Về kiến trúc, phần lăng có chính điện, võ ca và nhà khách, được xây cất theo lối đình Nam bộ với vật liệu bằng gỗ, lợp ngói, nền gạch, vách tường. Từ ngoài nhìn vào, cổng tam quan và hàng rào quanh lăng Ông Thống chế Điều bát được xây dựng năm 1963, phục dựng năm 1994. Hai bên cổng có cặp liễn đối. Sau khi đi qua cổng này, sẽ bắt gặp một cổng nữa, phía sau cổng này là một sân rộng, được tráng xi măng với nhiều cây xanh, hoa cảnh xung quanh sân. Bên trong khuôn viên có bức bình phong vẽ hình long hổ. Trước chánh điện là võ ca và cột cờ cao 10m treo cờ Soái. Võ ca xây dựng năm 1953 bằng vật liệu nặng, có 4 cột tròn. Các đầu mái võ ca trang trí hình đồng tiền bằng sành. Mái võ ca lợp ngói âm dương, bên trên có tượng lưỡng long tranh châu, cặp cá hóa long. Hai bên cửa võ ca đặt tượng hai kỳ lân oai dũng. Nổi bật là tấm hoành phi sơn son thếp vàng với bốn đại tự “Hộ quốc an dân”. Chính điện rộng khoảng 200m2, có tứ trụ nâng đỡ tạo thành mái hình bánh ít, xuyên câu. Mái lợp ngói âm dương. Đầu mái có hoa văn đồng tiền sành. Trên nóc có đôi rồng chầu nhật nguyệt. Có ba cửa vào chánh điện. Bên trên cửa chính có bảng khắc chữ nổi “Mỹ Thanh hội quán”. Hai bên cửa có cặp liễn đối. Bên trong bàn thờ giữa thờ tượng chân dung Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn, bên phải thờ tượng phu nhân Thống chế Điều bát. Bên trái thờ Bình Tây phó tướng Nguyễn An. Phần mộ của Tiền quân Thống chế Điều bát và phu nhân tọa lạc phía sau lăng theo kiểu song táng được xây dựng năm 1820 có kết cấu bằng vôi và ô dước, mật ong, đường. Mộ Ông cao hơn mộ Bà. Trước mộ có tấm bình phong với hai câu đối. Lễ hội Lăng Ông Trà Ôn được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ngày 22/01/2020. Nguồn: Du lịch Vĩnh Long

Vĩnh Long 1447 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Văn Thánh Miếu Vĩnh Long

Văn Thánh Miếu tọa lạc trên đường Trần Phú, phường 4, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long với diện tích 10.322m2. Văn Thánh miếu là một công trình đề cao Nho giáo, là thiết chế văn hóa chính thống của nhà nước phong kiến. So với các Văn miếu khác ở Nam Bộ thì Văn miếu Vĩnh Long xây dựng muộn nhất và là công trình duy nhất còn tồn tại cho đến hôm nay. Cổng tam quan và hai cổng phụ được xây dựng theo lối cổ lầu, có 3 tầng mái. Trên đỉnh nóc có trang trí lưỡng long chầu nhật bằng gốm màu xanh, mái lợp ngói đại tiểu. Hai bên cột có liễn đối bằng chữ Hán đắp nổi bằng xi măng mang ý nghĩa đề cao đức Khổng Phu tử và Nho giáo. Từ cổng đi thẳng vào điện Đại Thành gọi là thần đạo. Hai bên thần đạo là hai hàng sao cao vút như hai tầng lính áp hầu. Trên thần đạo có 3 tấm bia đá Bia thứ nhất khắc nội dung do cụ Phan Thanh Giản viết trước khi tử tiết, bia được ông Trương Ngọc Lang lập năm 1872. Bia thứ hai được dựng vào năm 1917. Bia đá thứ ba dựng năm 1931, ghi lời bà Trương Thị Loan hiến đất và ký thác việc thờ cúng cha ruột và cha chồng tại Văn Xương Các. Phía trước Văn Xương Các có hai khẩu súng thần công. Súng thần công là hai trong số các khẩu súng ngày xưa được đặt theo dọc bờ sông Cổ Chiên để giữ thành Vĩnh Long. Đến năm 1937, hai khẩu súng này được đem về đây. Văn Xương Các là một công trình văn hóa đặc sắc được xây dựng theo kiểu trùng thiềm điệp ốc làm nên diện mạo riêng của Văn Thánh Miếu Vĩnh Long. Văn Xương Các còn có tên gọi là Thơ lầu, Tân đình, Tụy Văn lâu, gồm có hai tầng: tầng trên thờ 3 vị Văn Xương Đế Quân (vị thần trông coi việc văn học) là nơi cất sách; Tầng dưới là nơi nghỉ ngơi khi đến lễ cúng tế Đức Khổng Tử và là nơi bình văn, luận võ của các quan đại thần thời bấy giờ. Phía trước là khánh thờ Gia Định xử sĩ Sùng Đức Tiên sinh Võ Trường Toản và Khâm sai Kinh lược sứ Phan Thanh Giản. Khuôn viên Văn Thánh miếu rất rộng và nhiều cây xanh rợp bóng mát, có hai hồ nước trước đây trồng sen, bên trái là hồ Nguyệt anh, bên phải là hồ Nhật tinh. Nằm ở cuối “thần đạo” là Văn Miếu, phần chính là Điện Đại Thành thờ Đức Khổng Tử, phía trước là Tả vu và Hữu vu thờ thất thập nhị hiền. Nội thất điện Đại Thành có bày trí các gian thờ: gian chính giữa là bàn thờ Đức Khổng Tử, hai bên là bàn thờ thập nhị hiền triết. Phía trước là bàn thờ Nhà giáo Chu Văn An, hai bên tả ban và hữu ban là khám thờ Thập Nhị hiền triết đó là 12 học trò giỏi của Ngài. Trong Văn Miếu có rất nhiều hoành phi, câu đối do các nhà hảo tâm ở khắp nơi hiến cúng. Ngày 25 tháng 3 năm 1991, Văn Thánh miếu đã được Bộ Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia. Mỗi năm tại đây đều tổ chức lễ Tế Khổng Tử và các vị Thánh Hiền vào ngày Đinh đầu tháng Hai và ngày Đinh cuối tháng Tám. Tại Văn Xương Các có lễ giỗ Phan Thanh Giản (mùng 4, mùng 5 tháng 7 âm lịch), ngày giỗ các quan đại thần và chiến sĩ trận vong (ngày 12 và 13 tháng 10 âm lịch). Nguồn: Trung Tâm Thông Tin Xúc Tiến Du Lịch Tỉnh Vĩnh Long

Vĩnh Long 1153 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Khu lưu niệm Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa

Khu lưu niệm đồng chí Trần Đại Nghĩa tại ấp Phú Mỹ 1, xã Tường Lộc, huyện Tam Bình (Vĩnh Long), khu lưu niệm Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa là công trình văn hóa có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tri ân những đóng góp to lớn và để các thế hệ hiểu rõ hơn về thân thế, cuộc đời, tinh thần vượt khó, ham học giỏi, làm việc sáng tạo của một nhà khoa học tài năng, một đại trí thức cống hiến trọn đời vì dân, vì nước, một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khu lưu niệm Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa được khởi công xây dựng ngày 24-11-2013, khánh thành ngày 18-5-2015. Toàn bộ công trình có diện tích khoảng 16.000m2, được thiết kế theo lối không gian mở, thoáng mát, nhẹ nhàng, gần gũi, nhưng vẫn bảo đảm tính tôn nghiêm. Công trình gồm các hạng mục chính như: Nhà tưởng niệm, nhà trưng bày, phòng hội thảo, chiếu phim, sinh hoạt truyền thống, quảng trường… Khu lưu niệm có gần 1.000 tài liệu, hiện vật về cuộc đời của Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa. Để góp phần làm tăng thêm ý nghĩa, giá trị của khu lưu niệm, mới đây Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Bộ Quốc phòng đã bàn giao mô hình công binh xưởng và 132 sản phẩm quốc phòng, kinh tế để trưng bày. Điểm nhấn của khu lưu niệm có trung tâm tích hợp dữ liệu về khoa học và công nghệ, là một công trình hiện đại, được Bộ Khoa học và Công nghệ đầu tư xây dựng. Trung tâm là nơi lưu giữ và quảng bá thông tin khoa học công nghệ, phục vụ khai thác sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn mới vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa tên thật là Phạm Quang Lễ, sinh ngày 13-9-1913 trong một gia đình nhà giáo nghèo. Với tư chất thông minh, giàu nghị lực, từ nhỏ ông luôn quyết chí học tập, quyết chí vươn lên và đạt được kết quả xuất sắc ở những bậc học và sau đó sang Pháp du học. Sau 11 năm làm việc tại các nhà máy điện khí, sản xuất máy bay, viện nghiên cứu vũ khí, kỹ thuật hàng không của Pháp, Đức, năm 1946, ông đã tình nguyện theo Chủ tịch Hồ Chí Minh về phục vụ đất nước. Với kiến thức của mình, khi về nước, ông được giao nhiệm vụ nghiên cứu các loại vũ khí mới; tổ chức xây dựng hàng trăm công binh xưởng trên khắp cả nước; thực hiện cuộc tổng di chuyển hàng chục vạn tấn máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu lên chiến khu Việt Bắc; từng bước hoàn thiện về tổ chức, lực lượng, huấn luyện đào tạo, phát triển đội ngũ; nghiên cứu, chế tạo, cải hoán thành công nhiều loại vũ khí, trang bị phù hợp với chiến trường Việt Nam. Tại nhiều cuộc hội thảo về thân thế sự nghiệp của ông, nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các nhà khoa học nhận xét: Ông là một nhà khoa học kiệt xuất, được mệnh danh là cha đẻ của ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam. Thời điểm đó, những thành tựu nghiên cứu, chế tạo và cải tiến nhiều loại vũ khí của ông đã góp phần giảm khoảng cách về trình độ khoa học giữa ta và địch, giúp quân ta giành thế chủ động trên chiến trường, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn, thống nhất đất nước vào mùa Xuân năm 1975. Khu lưu niệm Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long công nhận là điểm du lịch tiêu biểu của vùng năm 2017 và được tái công nhận vào năm 2022. Nguồn: Báo quân đội nhân dân

Vĩnh Long 1316 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng

Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng tọa lạc tại ấp Long Thuận A, xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, có diện tích 3,2 ha. Đồng chí Phạm Hùng, sinh năm 1912 mất năm 1988; quê quán: xã Long Hồ, huyện Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long; Đồng chí từng giữ các chức vụ: Bí thư Xứ ủy Nam Bộ (1946), kiêm Phó Giám đốc Sở Công an Nam Bộ (1947); Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1951); Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam kiêm Bí thư Liên khu ủy và Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Liên khu miền Đông Nam Bộ (1952); Bộ trưởng Phủ Thủ tướng (1957); Phó Thủ tướng (1958); Bí thư Trung ương Cục miền Nam (1967); Phó Thủ tướng (1976); Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ (1980 - 1986); Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (1987). Ủy viên Bộ Chính trị khóa 2, 3, 4, 5, 6; đại biểu Quốc hội khóa 2, 3, 4, 7, 8. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng thuộc lớp nhà lãnh đạo tiền bối có tầm nhìn sắc sảo, là tấm gương cao đẹp của người chiến sĩ Cộng sản chân chính. Dù trong lao tù đế quốc, chín năm kháng chiến chống Pháp ở chiến trường Nam bộ, tham gia xây dựng Chủ Nghĩa Xã Hội ở miền Bắc, về Trung ương Cục miền Nam trên cương vị Bí thư và Chính ủy Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh, đồng chí đã có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đồng chí đã để lại dấu ấn sâu đậm, tạo tiền đề quan trọng trong sự nghiệp đổi mới đất nước từ sau Đại hội 4 của Đảng năm 1986. Những cống hiến to lớn của đồng chí Phạm Hùng đối với sự nghiệp cách mạng, đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và nhiều huân, huy chương cao quý khác. Không những thế, đồng chí còn để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp đối với các dân tộc và bạn bè thế giới trong việc xây dựng tình đoàn kết hữu nghị các nước. Đồng chí, được Nhà nước Liên Bang Xô Viết tặng Huân chương Cách mạng Tháng Mười, Huy chương vì sự nghiệp củng cố liên minh chiến đấu; Nhà nước Cộng hòa Cuba tặng thưởng Huân chương Chê Ghêvara hạng Nhất; Nhà nước Tiệp Khắc tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất và Huy chương tình anh em chiến đấu; Nhà nước Bungari tặng Huân chương. Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng được khởi công xây dựng ngày 02/10/2000, khánh thành ngày 11/6/2004. Ngày 06/6/2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Khu lưu niệm đồng chí Phạm Hùng là Di tích Quốc gia. Nằm trong một tổng thể không gian cảnh quan thoáng mát, có nhiều cây xanh, Khu lưu niệm gồm hai khu vực: nhà từ đường và khu mộ của thân nhân gia đình họ Phạm; các công trình xây dựng trong Khu lưu niệm (nhà lễ tân; nhà tưởng niệm; nhà trưng bày; phục dựng các công trình: Banh 1, trại Phú Hải, nhà tù Côn Đảo; Nhà lá trung quân ở Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, tại Tây Ninh; Nhà 72 Phan Đình Phùng, Hà Nội). Khu lưu niệm của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng là địa điểm lưu niệm danh nhân cách mạng. Đồng thời, là nơi sinh hoạt văn hóa có ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục truyền thống sâu sắc cho thế hệ hôm nay và mai sau. Nguồn: Ban quản lý Khu lưu niệm

Vĩnh Long 1164 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Khu tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Khu lưu niệm Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt còn được bà con Vĩnh Long quen gọi bằng cái tên thân thương là “Vườn nhà Ông Sáu Dân”. Khu lưu niệm tọa lạc tại ấp Phong Thới, thị trấn Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Tổng diện tích rộng 1,7 hecta bao gồm các hạng mục: Nhà trưng bày, nhà làm việc, khu thờ, sân vườn. Điểm nhấn của di tích là nhà tưởng niệm và nhà làm việc lúc sinh thời của Thủ tướng. Nhà trưng bày có nhiều tư liệu, hiện vật, hình ảnh thể hiện sống động quá trình hoạt động cách mạng của Thủ tướng. Nhưng ấn tượng nhất là bức ảnh chân dung của cố Thủ tướng với nụ cười rạng ngời ẩn trên nền là 15.000 bức ảnh về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Thủ tướng. Đồng chí Võ Văn Kiệt tên thật là Phan Văn Hòa, bí danh Sáu Dân, sinh ngày 23/11/1922 tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, trong một gia đình nông dân nghèo. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Võ Văn Kiệt gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng của Đảng và dân tộc ta. Khi 16 tuổi, đồng chí đã giác ngộ cách mạng, tham gia phong trào Thanh niên phản đế và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương khi mới 17 tuổi. Khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ, ở tuổi 18, đồng chí được giao làm Bí thư Chi bộ xã Trung Hiệp, Huyện ủy viên huyện Vũng Liêm, lãnh đạo Nhân dân nổi dậy cướp chính quyền ở huyện lỵ Vũng Liêm. Tuy khởi nghĩa thất bại nhưng trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí đã bắt đầu bộc lộ tư chất của một tài năng lớn. Trên cương vị Tỉnh ủy viên lâm thời tỉnh Rạch Giá, đồng chí đã xây dựng cơ sở cách mạng, huấn luyện lực lượng quân sự, mở rộng và phát triển căn cứ địa U Minh trở thành đầu não chỉ huy kháng chiến của các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Khi thực dân Pháp tái chiếm Nam Bộ, trên cương vị Ủy viên Chính trị dân quân cách mạng Liên tỉnh miền Tây, đồng chí Võ Văn Kiệt được phân công trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở các tỉnh Rạch Giá, Bạc Liêu. Sau Hiệp định Giơnevơ, đồng chí Võ Văn Kiệt được Đảng phân công bí mật ở lại miền Nam, hoạt động bên cạnh đồng chí Lê Duẩn - Bí thư Xứ ủy, tiếp tục chỉ đạo phong trào cách mạng miền Nam. Từ cuối năm 1959 đến đầu năm 1970, dưới sự chỉ đạo của Khu ủy T4, đứng đầu là Bí thư Võ Văn Kiệt, quân và dân Sài Gòn - Gia Định đã anh dũng chiến đấu lập nhiều chiến công vang dội buộc Đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, rút quân đội ra khỏi miền Nam. Sau Hiệp định Paris, trên cương vị là Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam, Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Quân khu 9, đồng chí Võ Văn Kiệt đã chỉ đạo Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu đưa ra những quyết định mang tính lịch sử, Đánh địch lấn chiếm, giữ đất giữ dân; Mùa Xuân năm 1975, trong chiến dịch giải phóng Sài Gòn, trên cương vị Ủy viên Đảng ủy đặc biệt của Chiến dịch Hồ Chí Minh, đồng chí đã cùng Bộ Tư lệnh chiến dịch, chỉ huy năm cánh quân thần tốc tiến vào thành phố, phối hợp với sự nổi dậy của Nhân dân, buộc chính quyền Sài Gòn phải đầu hàng vô điều kiện, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau ngày đất nước thống nhất, trên cương vị Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh rồi Bí thư Thành ủy, đồng chí đã lãnh đạo đưa Thành phố dần đi vào ổn định. Sau này, trên các cương vị Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đồng chí luôn hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao phó. Đồng chí Võ Văn Kiệt với 86 tuổi đời, 69 tuổi Đảng, đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Võ Văn Kiệt luôn tận trung với nước, tận hiếu với dân, sống giản dị, khiêm tốn, luôn đặt lợi ích của Đảng, của đất nước, của Nhân dân lên trên hết; là một tấm gương tiêu biểu, mẫu mực về đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; một người cộng sản chân chính với trái tim nhân hậu mãi mãi ở trong lòng Nhân dân ta và bạn bè quốc tế. Nguồn: Báo Vĩnh Long điện tử

Vĩnh Long 1223 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Tiên Châu

Tiên Châu là một trong những ngôi chùa cổ ở Vĩnh Long, có lịch sử tồn tại khoảng 250 năm, tọa lạc trên một cù lao nhỏ được ôm ấp bởi hai nhánh của dòng Mêkông hùng vĩ là sông Tiền và sông Cổ Chiên, thuộc ấp Bình Lương, xã An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Chùa Tiên Châu có tên chính thức là Di Đà Tự hay chùa Tô Châu. Gọi là Di Đà Tự vì chùa thờ Phật Di Đà - Giáo chủ cõi Tây Phương cực lạc. Còn gọi chùa Tô Châu là vì làng Bình Lương (nay là ấp Bình Lương, nơi ngôi chùa tọa lạc) xưa kia có những cây liễu rủ bóng xuống dòng sông phẳng lặng, phong cảnh đẹp và thơ mộng, gợi nhớ đến đất Tô Châu - Trung Quốc. Chùa Tiên Châu do Hòa thượng Đức Hội lập nên vào khoảng thế kỷ 19, với kiến trúc cổ gồm 4 nóc là tiền đường, chính điện, trung đường và hậu tổ. Các gian được bố trí theo kiểu tứ trụ, nới rộng hai chiều ngang dọc nhờ các kèo đầm, kèo quyết. Bộ giàn trò bằng gỗ quý, mái lợp ngói âm dương. Nội điện chùa được bố trí rất đẹp, giữa tứ trụ là khánh thờ một tượng phật Di Đà rất lớn. Đâu lưng với khánh thờ Phật Di Đà là Phật Di Lặc cũng lớn như tượng Phật Di Đà. Hai bên khánh thờ Phật Di Đà là nơi thờ các vị Tiêu Diện Vương Bồ Tát, Quan Thế Âm Bồ Tát, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Thập Điện Minh Vương, Nam Tào Bắc Đẩu, Quan Thánh Đế Quân, Chuẩn Đề Vương Bồ Tát Trung đường là nơi thờ các vị Sư tổ Bồ Đề Đạt Ma, Phật Thích Ca Mâu Ni, Tam Tạng, Quan Thế Âm Bồ Tát, các vị tổ sư tiền bối và thiện nam tích nữ đã quá vãng. Đây cũng là nơi tiếp khách nên được treo rất nhiều tranh khuyến thiện với những câu đối mang đầy ý nghĩa thâm trầm của cõi Phật. Qua thời gian, chùa Tiên Châu đã nhiều lần xuống cấp và cũng ngần ấy lần được trùng tu, sửa chữa. Trận chiến Mậu Thân năm 1968 đã gây thiệt hại không nhỏ cho chùa Tiên Châu. Đạn pháo từ thị xã Vĩnh Long và các tàu chiến khiến chùa loang lổ vết đạn, mái ngói bị đổ sập nhiều nơi. Sau đó, Ban hộ trì Tam bảo kết hợp với Hội Phật giáo Việt Nam quyết định trùng tu lại ngôi chùa. Theo đó, mặt tiền chùa được xây bằng bê-tông, có 3 giàn cửa sắt. Năm 1994, chùa Tiên Châu được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích Lịch sử - Văn hóa. Không chỉ nổi tiếng ở Vĩnh Long, chùa Tiên Châu còn nổi tiếng khắp vùng đồng bằng châu thổ sông Mêkông. Bên cạnh sự nổi tiếng về di tích, danh lam, kiến trúc… Tiên Châu Cổ Tự còn được biết đến bởi truyền thuyết Bãi Tiên. Theo truyền thuyết, làng Bình Lương ngày xưa phong cảnh hữu tình, khí hậu thuận lợi nên nhiều người đến đây tham gia khai hoang lập ấp. Họ rất lương thiện, cuộc sống cộng đồng rất hòa thuận nên nơi đây được gọi là làng Bình Lương. Người dân làng Bình Lương chủ yếu sinh sống bằng nghề chài lưới, đánh bắt cá tôm. Vào một đêm trăng sáng, trai tráng trong làng chèo thuyền ra sông đánh bắt cá. Trên bãi cồn, trong một căn lều nhỏ dưới gốc bần, một cụ già nằm thao thức. Từng cơn gió mát mẻ và se lạnh nhẹ thổi, mang theo mùi hương thoang thoảng của hoa lá, hòa quyện cùng bản giao hưởng du dương trầm bổng của côn trùng thổn thức trong lòng đất. Cụ nhìn ra bãi cát trắng xóa lấp lánh dưới ánh trăng, chợt thấy những bóng trắng mờ ảo của bao nàng con gái đang thướt tha, uyển chuyển bay lượn, vui chơi trên bãi cát - Tiên giáng trần! Câu chuyện được truyền đi trong làng, sau đó lan xa trong thiên hạ. Từ đó, bãi cát trên khúc sông này được gọi là Bãi Tiên. Nguồn: Du lịch Vĩnh Long

Vĩnh Long 1191 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Điểm di tích nổi bật